Coi hợp tác xã là “nhà”
Nói đến HTX Phú Đông, người ta nghĩ ngay đến ông Phạm Phú Đằng. Ở cái tuổi ngoài lục tuần, lẽ ra ông đã về vui với con cháu, vậy mà ông vẫn miệt mài với HTX, với đồng ruộng và với bà con nông dân. Ông bảo “lẽ ra tôi nghỉ hưu rồi nhưng bà con nhân dân không cho nghỉ”. Ông được bà con quý mến bởi cái thật thà, chất phác và cũng bởi ông điều hành rất tốt HTX trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Phú Đằng bên mô hình trồng nấm linh chi
Hơn 60 tuổi nhưng suy nghĩ, hành động của ông Đằng không phải người trẻ nào cũng theo kịp. Ở ông có sự kiên quyết, nghĩ là làm của một người từng trải có đủ kiến thức, kinh nghiệm và cả bản lĩnh của một doanh nhân. Với tâm lý không sợ thất bại đã giúp ông vượt qua mọi “rào cản” để thực hiện các kế hoạch của HTX. Tuy nhiên, cũng không phải là chưa từng thất bại, ông kể “HTX đã từng liên kết với doanh nghiệp tại địa phương để sản xuất giày da nhưng công nhân vốn là nông dân, tác phong nông nghiệp rất khó để tham gia sản xuất công nghiệp; vốn ít nên HTX mua máy móc cũ không phù hợp với các đơn hàng mới. Thế là thua”. Thua mà không sợ đó chính là bản lĩnh của vị giám đốc già.
Phương châm hoạt động của HTX là muốn phát triển thì cần phải dựa vào sự đồng tình ủng hộ của thành viên, phải nỗ lực để thành viên coi HTX là nhà, HTX phải phát huy được vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ. Được sự hỗ trợ của dự án nước ngoài, HTX Phú Đông đã xây dựng được chiến lược phát triển cả một giai đoạn, trong đó yếu tố được coi trọng nhất vẫn là con người. “Cán bộ HTX cần phải có năng lực, đủ tâm huyết để gắn bó với bà con nông dân, đủ tầm nhìn và bản lĩnh để vượt qua thách thức” ông chia sẻ. Ở cương vị là giám đốc (trước đây là chủ nhiệm) HTX, ông là người được lãnh đạo chính quyền xã Tam Xuân 1 đánh giá năng động, sáng tạo. Hàng năm, ông đều dẫn đoàn cán bộ HTX, thành viên và một số cán bộ thôn, xóm đi tham quan mô hình hay để học hỏi. Năm 2014, ông trực tiếp dẫn đoàn cán bộ HTX vào tận Phú Yên học nghề trồng nấm linh chi. Ở đâu có mô hình kinh tế gì hay ông cũng muốn HTX mình học hỏi để thực hiện nếu phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng bà con. Với ông, sự phát triển của HTX, sự ấm no của bà con nhân dân là niềm vui. Một người gắn bó hơn nửa đời với HTX, sao lại không coi HTX là nhà được?
Mục tiêu phát triển HTX là hỗ trợ thành viên
Sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành, ban lãnh đạo HTX đã tổ chức đại hội chuyển đổi, xác lập lại tư cách thành viên theo đúng tinh thần Luật mới. Hiện nay, HTX nông nghiệp Phú Đông có 289 hộ thành viên, đều làm nông nghiệp sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Ngoài các dịch vụ mang tính công ích phục vụ thành viên như thủy nông, hướng dẫn cơ cấu mùa vụ, làm đất, thu hoạch, HTX còn tổ chức sản xuất lúa giống trên 86 ha diện tích đất, sản lượng đạt 245 tấn; sản xuất lúa giống đã tăng thu nhập cho thành viên và HTX 30% so với lúa thương phẩm.
Ngoài ra, HTX đã thực hiện dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích cây lúa giúp bà con giảm chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của ban lãnh đạo HTX, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình kỹ thuật sẽ giảm được chi phí sản xuất, ước tính trung bình 60 ngàn đồng/500m2/vụ. Giảm lượng thuốc dư thừa trong môi trường đất, trung bình 0,05kg/500m2/vụ. Sau vụ mùa đầu tiên, ban lãnh đạo HTX tính toán thu chi thì dịch vụ này chỉ mang tính chất hỗ trợ thành viên. Nhưng cái “được” lớn nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất bởi hóa chất bảo vệ thực vật. HTX đã phối hợp với như phòng nông nghiệp huyện Núi Thành tổ chức tập huấn, tư vấn cho người dân phương pháp bón phân hợp lý, giảm độ bạc màu của đất nông nghiệp.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hợp tác xã Phú Đông đã thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm linh chi. Bước đầu, có 8 hộ thành viên tham gia trồng nấm, HTX cung cấp nguyên liệu đầu vào, hướng dẫn chăm bón và tìm thị trường tiêu thụ. Hỏi về kế hoạch sắp tới của HTX, ông Đằng cho biết: “Trong tương lai, HTX sẽ mở rộng trồng nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, nấm chân dài để giải quyết thời gian nông nhàn và tăng thu nhập cho bà con thành viên. Phụ phẩm sản xuất nấm sẽ làm phân bón trồng rau an toàn. Thu gọn những dịch vụ mà tư nhân có thể làm được như vật tư nông nghiệp, làm đất, thu hoạch. Đổi mới quản lý sản xuất lúa giống bằng cách thuê đất khoanh vùng và ký kết hợp đồng với công ty giống. Sản xuất gạch không nung vì nhu cầu của thành viên và nhân dân rất lớn”.
Như vậy, có thể khẳng định HTX nông nghiệp Phú Đông đang làm rất tốt vai trò “bà đỡ” cho thành viên trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Có được điều đó, không thể phủ nhận vai trò của người đầu tàu giám đốc Phạm Phú Đằng. HTX cần lắm những con người như thế!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã