Tuy nhiên, ngành dược liệu còn phát triển nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, đầu ra thiếu bền vững…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Traphaco Sapa tại Lào Cai.
Trồng dược liệu thu nhập gấp 5-10 lần trồng lúa
Cả nước hiện có 226 cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, trong đó 131 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau; 1.440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cần tới 20.000 tấn/năm; nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước khoảng 60.000 - 80.000 tấn/năm, trong đó phần lớn sử dụng cho sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…; dược liệu xuất khẩu đạt gần 5.000 tấn, đem lại giá trị trên 6 triệu USD/năm. Nhưng, bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải nhập khẩu gần 80% dược liệu.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm như diếp cá (5.000 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)...
Trong quá trình điều tra về tri thức bản địa đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Ví dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; atiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 - 40 triệu đồng/ha/năm.
Hiện, số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trước kia, một số dược liệu có thể khai thác hàng chục ngàn tấn mỗi năm như ba kích, đẳng sâm, hoàng tinh... thì nay, nhiều cây thuốc đã được đưa vào Sách Đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cây hoàng liên trước kia là đặc trưng của dãy núi Hoàng Liên Sơn nay chỉ tìm thấy dạng dấu tích.
Nước ta chưa biến được các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và để sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, trên thế giới, Pháp và Mỹ đã chiết xuất hoạt chất taxon từ cây thông đỏ để sản xuất thuốc phòng trị ung thư và đưa ra thị trường từ năm 1994, đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất được loại thuốc này trong khi cây thông đỏ Lâm Đồng (Đà Lạt) là loại cây đặc biệt quý hiếm với hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao bậc nhất thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Chúng ta may mắn sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng… Mặc dù có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng có một nghịch lý là hiện nay chúng ta mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% còn lại phụ thuộc nguồn nhập khẩu”.
“Có thể nói, kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc chống buôn lậu dược liệu hiện còn khó khăn, trong khi đó, dược liệu nhập lậu chất lượng kém nhưng giá rẻ, đánh vào tâm lý người tiêu dùng nên có thể thâm nhập vào các nơi tiêu thụ. Còn những sản phẩm của nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới lại có giá thành cao, khó đưa ra tiêu thụ.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có giải pháp tăng cường đưa thuốc Đông y và dược liệu vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Bộ cũng nêu ra ba nhóm giải pháp trọng tâm, đó là tăng nguồn cung cấp, tức phát triển mạnh các nguồn nguyên liệu dược liệu; thứ hai là tăng nhu cầu sử dụng dược liệu, trong đó có nhu cầu trong nước và xuất khẩu; và nhóm giải pháp quan trọng nữa là các cơ chế chính sách để thực hiện các điều đó.
Nên chọn một số loại cây dược liệu quý làm trọng
Tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam diễn ra ở Lào Cai, đại diện nhiều địa phương và doanh nghiệp cho rằng, cần có quy hoạch vùng dược liệu rõ ràng; chọn một số loại cây dược liệu quý làm trọng tâm như: Tam thất ở Hà Giang, Cao Bằng; y dĩ ở Sơn La, Lào Cai, Yên Bái; cây đẳng sâm ở Sơn La; ba kích ở Bắc Giang, Quảng Ninh; sâm Ngọc Linh của Quảng Nam…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, đang phát triển mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh, khuyến khích cả doanh nghiệp và người dân thuê rừng để phát triển cây sâm quý này. Hiện, tỉnh này đã có 1.200ha sâm Ngọc Linh, giúp xóa đói giảm nghèo vùng miền núi. Ngoài ra, cần tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để thu hút doanh nghiệp tham gia vào sản xuất dược liệu; có chính sách tích tụ ruộng đất giúp doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất nguyên liệu lớn.
Trong tham luận của mình, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, phát triển dược liệu. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, công nghệ cao trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị cao từ dược liệu.
Cần chính sách đột phá để thu hút đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị trên, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nhấn mạnh: “Y học cổ truyền là một kho báu và ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng phát triển rất to lớn”. Do đó, chúng ta cần tận dụng tiềm năng này.
Nhắc lại lịch sử trên 4.000 năm của đất nước, Thủ tướng cho biết, những văn bản chỉ đạo đầu tiên về phát triển dược liệu đã được ban hành từ thời nhà Lý, thế kỷ thứ X. Lịch sử đã ghi nhận cha ông ta từ Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đã ban hành những bộ sách quý để áp dụng y học cổ truyền, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Điều này khẳng định đất nước Việt Nam ta có một truyền thống quý báu trong y học cổ truyền với nhiều loài cây thuốc quý.
Trong giai đoạn phát triển mới, Nhà nước ta luôn xác định y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền. Với điều kiện tự nhiên đặc thù 3/4 là rừng, núi, đất nước ta có trên 5.000 cây thuốc quý có khả năng chữa bệnh. Đây là một lợi thế ở tất cả các địa phương trên cả nước để phát triển phục vụ nhân dân và tiến tới xuất khẩu đem lại nguồn thu cho nền kinh tế.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu, chúng ta cần nhận thức lại cho đúng; đồng thời tập trung hình thành chủ trương, biện pháp phát triển dược liệu Việt Nam thời gian tới cho phù hợp với tiềm năng dược liệu của đất nước. Đặc biệt, cần khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực dược liệu như: Chưa phát huy được ở mọi vùng miền, chưa được quy hoạch phát triển theo chuỗi giá trị dẫn nên hiệu quả thấp; sản xuất manh mún, hiệu quả thấp; không có đầu ra bền vững; năng suất thấp, thất thoát lớn. Công tác chế biến còn bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Ngoài ra, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ dược liệu còn manh mún, sản phẩm còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Phát triển ngành dược liệu không chỉ có chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể mang lại sự giàu có cho một bộ phận người dân.
Nêu lên thực trạng bất cập về phát triển cây dược liệu hiện nay, Thủ tướng cho biết, có ý kiến đánh giá có loại dược liệu còn rẻ hơn cả khoai lang; thậm chí còn nói rằng chúng ta sử dụng cái bã, còn tinh chất người ta đã lấy đi.
Để giải quyết các bất cập cần đưa ra các chính sách đột phá để thu hút đầu tư, khuyến khích nuôi trồng dược liệu, đảm bảo hiệu quả tốt nhất. Từ đó, cần đặt vấn đề quy hoạch sản xuất loại gì, ở đâu, đầu tư vùng trọng tâm trọng điểm về dược liệu ở những vùng nào; coi dược liệu là sản phẩm quốc gia hoặc lựa chọn một số dược liệu là sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế như sản phẩm quốc gia.
Cùng với đó, cần bàn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có cây dược liệu, để áp dụng các chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các tiêu chí phát triển các loại hình doanh nghiệp, các dự án, các chương trình để thực hiện chuỗi giá trị về dược liệu.
Theo Bộ Y tế, hiện nay nước ta có khoảng 4.000 loài thực vật, cây cỏ làm thuốc trên tổng số hơn 10.600 loài thực vật. Trung bình mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu nhưng phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng. Năm 2015, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu dược liệu không đạt chất lượng (không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu), trong đó chủ yếu là các mẫu với các vị thuốc gồm ý dĩ, hoàng kỳ, thăng ma, thiên ma, hoài sơn. Còn kết quả giám sát tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương với gần 400 mẫu dược liệu cho thấy, có tới 60% chưa đạt chất lượng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã