Nhiều khó khăn
Tại cuộc Hội thảo quốc tế Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế được tổ chức ngày 6/1, tại TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu tham gia cho rằng với việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại Kinh tế, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội tăng xuất khẩu. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở việc tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.
"Nền nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với điệp khúc được mùa mất giá lặp đi lặp lại. Những mối liên kết còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn hạn chế. Vai trò chính yếu của Nhà nước trong chuỗi giá trị vẫn còn hết sức mờ nhạt. Chính các yếu tố này đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương và kém sức cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nếu chúng ta không xây dựng thành công chuỗi giá trị sẽ khó cạnh tranh, đủ năng lực đưa các sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế", ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Theo các đại biểu tham gia tranh luận tại Hội nghị, sau thời gian dài xây dựng, chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn hết sức mờ nhạt. Cụ thể, mối liên kết chính giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn nhiều tồn tại lớn nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Theo đó, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến. Cả doanh nghiệp và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất khiến nhiều mô hình cách đồng mẫu lớn đã triển khai đang gặp khó khăn..
Khi tham gia vào chuỗi giá trị, nông sản sẽ được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận nhiều hơn. |
"Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta còn rất nhỏ khi chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp. Hầu hết trong số đó chỉ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ mà ít tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất. Trong khi đó bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước, muốn phát triển được chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững thì việc liên kết với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất là rất quan trọng", ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op khẳng định.
Đẩy mạnh liên kết
Được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nếu không liên kết hình thành chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh. Theo các đại biểu, cần nhanh chóng thực hiện liên kết giữa các bên trong chuỗi góp phần đưa nông sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.Những mối liên kết đó bao gồm liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân... nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, thương hiệu, uy tín thị trường.
"Trong liên kết chuỗi giá trị, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sảnxuất nông nghiệp với việc doanh nghiệp làm đầu mối đóng vai trò chính đang được chứng minh là mô hình phù hợp trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Trong chuỗi giá trị này, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm tốt hơn. Khi quy hoạch vùng sản phẩm, doanh nghiệp, nhà nông sẽ thuận lợi hơn khi ứng dụng khoa học công nghệ theo quy mô lớn, giúp tăng giá trị sản phẩm và nâng cao lợi nhuận. Do sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, chuỗi giá trị không những đem lại hiệu quả kinh tế lớn mà nó còn góp phần vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cho biết.
Tham gia vào chuỗi giá trị là yếu tố mang tính sống còn của nông sản Việt. |
Theo ông Cường để tái cơ cấu lại nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, yêu cầu đặt ra là các bộ ngành cần phải phối hợp, xây dựng thành công chuỗi giá trị giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng và tăng sức cạnh tranh. Thời gian tới Nhà nước sẽ có chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân và doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, cũng như khuyến khích liên kết giữa các nhà khoa học, nhà nước, nông dân với các doanh nghiệp. Với việc tham gia vào chuỗi giá trị, các đối tượng trong chuỗi sẽ có điều kiện đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản.
"Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, theo tôi, cần có thêm các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao tạo giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần phải có một tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo phương pháp chuỗi giá trị, cũng như tăng cường phổ biến rộng rãi các kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu...", ông Cường nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã