Phát huy những thành công đạt được, tỉnh đã tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 (2017-2020) Chương trình OCOP theo hướng chuyển từ lượng sang chất. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh để hiểu sâu hơn về vấn đề này.
- Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong toàn quốc về triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) và được Chính phủ đánh giá cao, xin đồng chí cho biết thêm về những kết quả đã đạt được?
+ Chương trình OCOP là một nét riêng có của Quảng Ninh. Đây là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh, là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 của Quảng Ninh, được Nhà nước đánh giá, ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhất vào tháng 12-2015.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác tổ chức Hội chợ OCOP hè 2016. |
Chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như tạo thêm việc làm, giúp nông dân giảm nghèo bền vững. Chỉ sau 3 năm triển khai Chương trình, nhận thức về Chương trình trong cán bộ, người dân được nâng lên rõ rệt, đã phần nào khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế và làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Trong 3 năm đã có 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, 25 quy hoạch chi tiết vùng sản xuất sản phẩm OCOP được quy hoạch với diện tích mặt đất, mặt nước là 1.138,7ha. Tổng vốn thực tế đã huy động để sản xuất là 367,747 tỷ đồng/ tổng số vốn các dự án là 480,943 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng là 68,656 tỷ đồng (chiếm 18,66%), NSNN đã hỗ trợ 58,243 tỷ đồng (chiếm 15,84%) thực hiện hỗ trợ trực tiếp đầu tư hạ tầng, ứng dụng KHCN, hỗ trợ lãi suất, thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp bao bì, xúc tiến thương mại... Đây là động lực để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và phát huy lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Sự thành công của tỉnh trong Chương trình OCOP cũng đã mở ra một triển vọng lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn không chỉ riêng trong tỉnh, mà còn trong cả nước. Thông qua việc triển khai Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Trung ương chỉ đạo nhân rộng ra toàn quốc thành Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
- Thưa đồng chí, vậy điều gì đã tạo nên sự thành công mang tính đột phá của Quảng Ninh trong triển khai thực hiện Chương trình?
+ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ở Quảng Ninh là một cách phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hoá ở nông thôn, phát huy những lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh có nền kinh tế mạnh, mức sống người dân cao, tuy nhiên chênh lệch giàu, nghèo vẫn rất lớn. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã mời một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp trên quy mô lớn, nhưng bài toán phát triển nông nghiệp ở những vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp. Mặt khác, nếu chỉ “trông chờ” vào các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, thì người nông dân mãi mãi chỉ là người làm thuê trên chính mảnh đất của mình, mà không thể phát huy sức sáng tạo cá nhân. Vì vậy, để phát triển sản xuất ở các vùng nông thôn, tỉnh đã đề ra phương châm “lấy người dân làm chủ thể, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm động lực trong việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường và xây dựng thương hiệu”. Nhằm thúc đẩy tinh thần làm chủ và sáng tạo của người dân, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính trọng tâm, như: Xây dựng quy trình thực hiện từ đăng ký ý tưởng sản phẩm; lập các dự án sản xuất; phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng cộng đồng; ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, phân cấp quản lý quyết định đầu tư cho cấp huyện, cấp xã; tổ chức thi thiết kế logo, bao bì sản phẩm; quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh...
Sau 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP trong 3 năm đạt hơn 670 tỷ đồng (Đề án đề ra 200 tỷ đồng) nhờ gia tăng về quy mô sản xuất và giá bán, đóng góp tích cực cho tăng thu nhập của nhân dân, các sản phẩm giá trị bình quân tăng 20%.
- Đồng chí có thể cho biết thêm, với những kết quả mang tính đột phá trong giai đoạn 1, tỉnh đã đưa ra mục tiêu cho giai đoạn 2 là gì?
+ Với mục tiêu đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh nhằm phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị.
Để Chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020 đi vào chiều sâu, tỉnh đã quyết định nâng cấp hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình từ Ban Điều hành thành Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Theo đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ được triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn. Sản phẩm OCOP sẽ được tổ chức quản lý khoa học hơn theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện và tạo được sự khởi động, thúc đẩy được sự đề xuất, tính sáng tạo từ dưới lên (từ nhân dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX). Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã xác định tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong triển khai Chương trình OCOP theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư. Do vậy, giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ phát triển Chương trình OCOP theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm liên tục và lâu dài, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch. Từng bước đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và quốc tế.
- Muốn đạt được mục tiêu đề ra thì công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?
+ Từ bài học kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 1 cho thấy, Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội không chỉ vùng nông thôn, mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thực hiện thúc đẩy, phát triển các tổ chức kinh tế (tập trung tái cơ cấu và thành lập mới doanh nghiệp, HTX), thông qua việc phát huy nguồn lực địa phương (nhân lực, trí tuệ, nguyên liệu, văn hoá, cảnh quan...) và thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP. Do vậy, triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân.
Để tiếp tục triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020 đạt hiệu quả cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc chu trình OCOP thường niên, trong đó xác định khâu quan trọng là đăng ký ý tưởng sản phẩm để thúc đẩy tính sáng tạo từ dưới lên (từ người dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX). Khuyến khích phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng KHCN vào sản xuất, điều hành theo chuỗi liên kết giá trị. Đặc biệt, giai đoạn này cần xây dựng được sản phẩm mang thương hiệu cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Các sản phẩm OCOP phải đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu...
- Vâng, xin chân thành cảm ơn đồng chí!
Lê Hải/baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã