Bài 1: Những trái ngọt đầu mùa Với Luật HTX năm 2012, việc hình thành và triển khai các HTX kiểu mới là nền tảng quan trọng, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và tạo thu nhập bền vững cho người nông dân. Trên thực tế, quá trình chuyển đổi sang mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới tại một số địa phương cũng đã thu được những kết quả khả quan… Hiệu quả bước đầu HTX nông nghiệp Bình Định, huyện Kiến Xương (Thái Bình) là một trong những đơn vị được tỉnh chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi sang mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới. Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Bình Định Trần Thanh Sơn cho biết: HTX làm nhiệm vụ quản lý ba khâu dịch vụ mang tính bắt buộc là thủy nông, dịch vụ khoa học kỹ thuật và bảo vệ thực vật. Thực hiện Nghị định 54 và Nghị định 115 của Chính phủ về miễn thủy lợi phí cho nông dân, HTX đưa ra mức thu cố định của cả ba dịch vụ là 5,8 kg/sào/năm. Do xây dựng định mức khoán các dịch vụ chặt chẽ, gắn quyền lợi và trách nhiệm của người nhận khoán, cho nên đã hạ được chi phí quản lý. Nhờ vậy, sau khi đã thanh toán với Nhà nước và người lao động, HTX vẫn tích lũy được một phần ưu tiên cho phát triển sản xuất, hoặc làm vốn đối ứng xây dựng các công trình thủy lợi. Lợi nhuận của HTX ngày một tăng, hiện mỗi năm đạt từ 200 đến 300 triệu đồng, bước đầu đã khẳng định HTX dịch vụ nông nghiệp vẫn có thể đứng vững, hoạt động và phát triển với nền kinh tế thị trường. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi gặp chị Đào Thị Thiện - người “sáng lập” nên HTX trồng nấm Quảng Hội (xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội). Chị Thiện cho biết: Để mở lán trồng nấm, cách đây dăm năm chị vay tám triệu đồng từ Quỹ Tình thương phụ nữ nghèo huyện Sóc Sơn, cộng với hai triệu đồng gia đình tích cóp được để mua nguyên liệu và chi phí đi lại. Sau một tháng triển khai, lứa nấm đầu tiên đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, mỗi lần thu hoạch xong, lại phải chở nấm sang xã khác gửi người ta bán hộ. Nhờ chịu khó chắt chiu từng đồng vốn, sau sáu tháng lãi được 40 triệu đồng, chị tiếp tục dùng để mở rộng quy mô trang trại. Đến năm 2010, tổng diện tích trồng nấm đã lên tới 650 m2, cho sản lượng đạt 350 đến 400 kg/ngày, chị quyết định vận động bà con trong xã góp vốn và xin thành lập HTX nuôi trồng nấm hoạt động theo mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, do chị làm chủ nhiệm. Hiện, HTX gồm 25 thành viên ở năm tỉnh, thành phố. Sản lượng nấm các loại đạt 75 đến 77 tấn/năm, doanh thu gần 3,2 tỷ đồng. Trừ các chi phí, số tiền lãi thu được từ 750 đến 800 triệu đồng/năm. Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: QUANG THIỆN Tại huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Yên Bắc - đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000), ông Bùi Văn Nguyên cho biết: Chuyển sang hoạt động theo mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, Yên Bắc có thế mạnh là tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nhất là cung ứng giống cho xã viên. Đối với mặt hàng lúa giống, hiện HTX đã ký với bốn công ty và đang tiếp tục mở rộng, để tiếp tục sản xuất và tiêu thụ hết diện tích lúa giống cho xã viên của mình, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 500 đến 600 tấn lúa giống cho bà con xã viên. Ngoài ra, HTX còn sản xuất dưa chuột bao tử xuất khẩu, rau màu vụ đông; HTX đã khá thành công trong loại hình “dịch vụ làm đất” khi đã quản lý và điều hành tất cả máy làm đất tư nhân trên địa bàn của xã, tránh được tình trạng ép giá, tranh chấp lẫn nhau, nông dân được hưởng giá làm đất phù hợp... Đa dạng các mô hình Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 142.800 tổ hợp tác và gần 19 nghìn HTX đang hoạt động, trong đó khoảng hai phần ba số HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp và thủy sản (gọi chung là nông nghiệp). Khu vực kinh tế hợp tác, HTX hiện thu hút khoảng 12 triệu hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ, cá thể, tiểu chủ và người lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hoạt động của các HTX nông nghiệp khá đa dạng, nhưng chủ yếu là các HTX dịch vụ nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng số các HTX nông nghiệp, với hoạt động chính là thực hiện các khâu dịch vụ cơ bản cho sản xuất của hộ nông dân. Bên cạnh đó, là các HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp; ngoài việc bảo đảm cung cấp dịch vụ cho xã viên, huy động vốn tổ chức sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ... Còn lại là các HTX chuyên ngành chăn nuôi, trồng rau, hoa, cây cảnh... đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường hiện nay. Mặc dù hoạt động theo các mô hình khác nhau, nhưng các HTX nông nghiệp đã và đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất, đời sống của các hộ thành viên. Các tổ hợp tác đã giúp hội viên thực hiện một số dịch vụ “đầu vào” trong sản xuất như: thủy lợi, làm đất, mua bán vật tư, cây, con giống, bảo vệ sản xuất… và dịch vụ “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm... giúp nhau làm kinh tế, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Các HTX nông nghiệp kiểu mới đang thực hiện một sứ mệnh quan trọng là tạo “cầu nối” giữa nông dân với thị trường. Thí dụ như các HTX nông nghiệp ở tỉnh Thái Bình đều làm các khâu dịch vụ: tưới tiêu, bảo vệ thực vật, thú y, diệt chuột, cung ứng vật tư nông nghiệp, làm đất, vệ sinh môi trường… Ngoài ra, còn có 100 HTX làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, đại diện cho các hộ nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, cuối vụ đứng ra thu gom sản phẩm. (Còn nữa)
| |
Bài, ảnh: Tâm Sơn/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã