Hơn 20 năm qua, bên cạnh thành tựu rất quan trọng của nông nghiệp nước nhà, như năng suất các cây, con không ngừng tăng lên, trong đó có trên 10 loại cây, con có năng suất sinh học thuộc nhóm cao nhất thế giới; sản lượng nhiều sản phẩm, như gạo, tiêu, điều, cà-phê, cao-su, chè, cá, tôm tăng nhanh, trong đó có 6 loại nông phẩm xuất khẩu đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, thì có 4 bất cập vẫn tồn tại kéo dài. Một là, tình trạng “được mùa rớt giá” năm nào cũng xảy ra. Hai là, thiếu vốn là khó khăn thường xuyên đối với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ba là, thu nhập của nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp chiếm khoảng 47% lao động, đóng góp 19% vào tổng sản phẩm nội địa, tức là năng suất lao động hay thu nhập bình quân của người nông dân chưa bằng 1/3 của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bốn là, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ. Nhằm tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nguyên nhân cơ bản của những bất cập trong nền nông nghiệp nước ta
Có nhiều nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài nói trên. Song, có một lý do cơ bản nhất là sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất trong nông nghiệp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay và hội nhập quốc tế. Đa số hộ nông dân - những đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp, rất nhỏ về tiềm lực kinh tế, sản xuất đơn lẻ và không tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011 nước ta có 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2ha, tương đương một mảnh đất có chiều rộng 40m và chiều dài 50m, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5ha và 80% số hộ nông dân có diện tích đất canh tác dưới 1 ha. Cả nước có 10,36 triệu hộ trồng cây hằng năm, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,62ha; 5,1 triệu hộ trồng cây lâu năm với diện tích đất canh tác bình quân 0,7ha/hộ. Cả nước có hơn 4 triệu hộ nuôi lợn thì 77% số hộ nuôi dưới 5 con; có 7,9 triệu hộ nuôi gà thì 90% số hộ nuôi dưới 49 con.
Hiện nay, bình quân một hộ nông dân có 2 lao động và 2 người phụ thuộc. Trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp thì có khoảng 97,2% số lao động không được đào tạo về nghề nghiệp, chỉ có khoảng 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp, khoảng 1,2% có trình độ trung cấp và khoảng 0,2% có trình độ cao đẳng, đại học. Một vài con số khái quát trên đây cho thấy, nếu canh tác độc lập, riêng lẻ thì sức mạnh kinh tế của hộ nông dân rất nhỏ bé, khả năng chịu đựng rủi ro rất thấp, tình trạng tái nghèo rất dễ xảy ra. Để liên kết các hộ nhỏ lẻ thành các đơn vị kinh tế lớn hơn, từ lâu chúng ta đã có chủ trương và chỉ đạo hình thành các hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên có một thời gian dài nhận thức của chúng ta về bản chất và vai trò HTX trong nông nghiệp chưa phù hợp với quy luật phát triển HTX như ở các nước khác trong hơn 150 năm qua. Vì vậy, tác dụng và hiệu quả của HTX còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay cả nước có hơn 10.000 HTX nông nghiệp, thu hút khoảng 45% số lao động nông nghiệp. Đa số các HTX chỉ cung cấp một số đầu vào cho xã viên, như giống, phân bón, thức ăn, nhưng hơn 90% số HTX không quan tâm đến vấn đề mà xã viên quan tâm nhất, đó là tiêu thụ sản phẩm của hộ xã viên. Hiện nay các HTX hoạt động hiệu quả chỉ liên kết, hỗ trợ được khoảng 5% số hộ nông dân cả nước, còn 95% số hộ thực chất là sản xuất theo phương thức tự phát: tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, bán sản phẩm không theo hợp đồng cho thương nhân, không biết trước ai sẽ mua, mua theo giá nào, mua với khối lượng bao nhiêu. Do nhận thức về HTX còn rất khác nhau ở các địa phương nên quy mô HTX và số lượng các dịch vụ HTX cũng rất khác nhau. Ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng, hiện nay nhiều HTX được thành lập từ những năm qua có quy mô liên thôn hoặc toàn xã, nhiều HTX có hơn 1.000 xã viên. Trong khi đó, hầu hết các HTX thành lập 5 năm qua ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ có từ 7 đến 20 xã viên, ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long con số bình quân vào khoảng vài chục xã viên.
Trong bối cảnh 95% số hộ nông dân không được các HTX dự báo nhu cầu sản phẩm, quy hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì các đòi hỏi cho dù rất hợp lý về nguyên tắc, các chính sách hỗ trợ cho nông dân và các đòi hỏi của hội nhập quốc tế đối với gần 10 triệu hộ nông dân là không khả thi.
Một là, với quy mô bình quân mỗi hộ nông dân có 2 lao động, diện tích canh tác không quá 1ha, 97% số lao động không qua đào tạo nghề nghiệp thì các hộ này không đủ khả năng nghiên cứu thị trường, không thể dự báo nhu cầu của thị trường và lập kế hoạch sản xuất của mình theo nhu cầu thị trường. Chỉ có HTX và các doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách được đào tạo về phân tích thị trường và sử dụng thông tin thị trường do các cơ quan nhà nước cung cấp thì mới nắm bắt được nhu cầu của thị trường.
Hai là, một hộ nông dân với 2 lao động, đất canh tác không quá 1ha, không có tài sản thế chấp, không có tư cách pháp nhân, không thể là đối tác thực sự của các ngân hàng để được vay vốn theo chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ngân hàng không thể cho 10 triệu hộ nông dân riêng lẻ như vậy vay mà tin rằng có thể thu hồi vốn ở hầu hết các trường hợp. Chỉ khi các hộ liên kết lại thành HTX thì HTX hướng dẫn cho xã viên sản xuất theo kế hoạch, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng HTX đã ký kết, giám sát, giúp nhau áp dụng giống và kỹ thuật mới thì các ngân hàng mới có thể cho họ vay vốn thông qua sự bảo đảm bằng các kế hoạch sản xuất - kinh doanh của HTX. Hiện nay, việc cho hộ ngư dân vay vốn để đóng tàu mới đã yêu cầu hộ ngư dân phải là thành viên của HTX hoặc tổ sản xuất ngư dân trên biển.
Ba là, một hộ nông dân với 2 lao động, đất canh tác không quá 1ha, không có tư cách pháp nhân, thiếu vốn, không thể có tư thế để đàm phán với người bán các yếu tố đầu vào cho sản xuất, như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn cho chăn nuôi, thuốc thú y. Vì từng hộ nông dân chỉ mua với số lượng ít, đến vụ phải mua, vì không mua sẽ quá thời vụ, nên việc bị ép giá mua cao là không tránh khỏi. Từng hộ nông dân với sản lượng ít không thể ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại mà phải bán cho các tư thương. Các hộ nông dân riêng lẻ không thể đàm phán với tư thương để bán sản phẩm, vì họ bán rất ít sản phẩm, đến vụ phải thu hoạch cho nên họ phải bán để có tiền trả nợ vay đầu vụ sản xuất, để lâu càng giảm giá, nên hộ nông dân bị ép giá bán đầu ra thấp cũng là thực tế không tránh khỏi. Thị trường đầu vào và đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp nước ta thực chất không là thị trường cạnh tranh mà là thị trường do người bán đầu vào, người mua đầu ra chi phối, còn người nông dân thì yếu thế, không bình đẳng. Chỉ có HTX với sức mua gấp hàng chục, hàng trăm lần một hộ mới có sức mạnh kinh tế để lựa chọn doanh nghiệp bán đầu vào và mua đầu ra, đàm phán về giá cả. Mười triệu hộ nông dân đơn lẻ là 10 triệu hộ nông dân yếu thế trên thị trường đầu vào và thị trường đầu ra. Nếu bình quân cứ 100 đến 300 hộ thành lập một HTX thì từ 10 triệu hộ nông dân sẽ hình thành 33 nghìn đến 100 nghìn HTX là những pháp nhân kinh tế, có sức mạnh kinh tế, để thực sự tạo ra thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh.
Bốn là, một trong những giải pháp để hỗ trợ người nông dân là các doanh nghiệp phải liên kết với nông dân để tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Nhưng với năng lực có hạn, một doanh nghiệp khó có thể đồng thời liên kết với 1.000 hoặc 5.000 hộ nông dân để hướng dẫn họ sản xuất cùng một loại cây, nuôi cùng một loại con và giám sát họ hằng ngày thực hiện quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang là một ngoại lệ. Với tình cảm sâu sắc với nông dân, Công ty đã ký hợp đồng liên kết với hơn 20 nghìn hộ nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất trên các cánh đồng lớn. Công ty hỗ trợ nông dân về giống chất lượng cao, hướng dẫn quy trình sản xuất hiện đại và tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Để làm được điều này, Công ty phải phát triển một đội ngũ hướng dẫn viên ruộng đồng (kỹ thuật viên 3 cùng) gồm hơn 1.200 người là các cán bộ tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng nông nghiệp, bình quân một hướng dẫn viên hướng dẫn từ 20 đến 25 hộ nông dân. Song, đến nay Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cũng không thể mở rộng cách làm này hơn nữa mà đã đề xuất cần thành lập các HTX kiểu mới để nông dân tự quản. Công ty vẫn hỗ trợ nông dân và tiêu thụ sản phẩm cho HTX, song đối tác của Công ty không phải hàng vạn hộ nông dân mà chỉ là các HTX.
Năm là, sản phẩm của nông dân muốn tiêu thụ với quy mô lớn và xuất khẩu phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, đây là đòi hỏi hợp lý. Song, không một tổ chức kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm nào có thể kiểm tra, cấp chứng nhận và tái kiểm tra chất lượng cho gần 10 triệu hộ nông dân với quy mô canh tác không quá 1ha, chỉ có 2 lao động, trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con khác nhau. Chỉ có HTX với quan hệ chặt chẽ với xã viên, hướng dẫn và giám sát lẫn nhau, với quy hoạch sản xuất có tính ổn định, với lực lượng chuyên trách về khoa học, công nghệ, có tư cách pháp nhân mới là đối tác của các tổ chức kiểm tra và chứng nhận về chất lượng sản phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Sáu là, chúng ta đặt ra đòi hỏi người nông dân phải liên kết với các nhà khoa học. Các cơ quan nghiên cứu khoa học của ta không nhiều, kinh phí hạn chế, các nhà khoa học không thể đi hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho từng hộ nông dân với những đặc điểm như đã nói ở trên. Chỉ khi có HTX với các hộ cùng trồng một loại cây, nuôi một loại con, với một số cán bộ kỹ thuật của chính mình, mới là các đối tác của các nhà khoa học để có thể chuyển giao giống mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới có hiệu quả
Tóm lại, chừng nào mà nền sản xuất nông nghiệp nước ta còn chủ yếu vẫn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các yêu cầu rất hợp lý về sản xuất nông nghiệp, các chính sách về tín dụng, đào tạo, liên kết với các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi. Các hộ nông dân như vậy không thể thực hiện đồng thời 3 chức năng của đơn vị kinh tế trong cơ chế thị trường: nghiên cứu thị trường và quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và lợi thế của mình; tổ chức sản xuất hiệu quả cao; tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế các hộ nông dân chỉ có thể làm được chức năng là tổ chức sản xuất hiệu quả cao, song không thể làm được 2 chức năng còn lại. Giải pháp cơ bản để khắc phục mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và các HTX kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.
Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới là khâu đột phá
Với Luật Hợp tác xã năm 2012 và các HTX kiểu mới - kết quả sáng tạo của một bộ phận nông dân, chúng ta đang có cơ hội chuyển giai đoạn phát triển của nông nghiệp nước nhà ngay khi bước vào hình thành Cộng đồng ASEAN và hội nhập quốc tế về kinh tế với quy mô chưa từng có, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với Cộng đồng châu Âu, Liên minh Á - Âu và với các nước khác như Hàn Quốc.
Với Luật Hợp tác xã năm 2012, nhận thức của chúng ta về HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng đã thay đổi căn bản, phù hợp với quy luật phát triển HTX của thế giới 150 năm qua.
Theo Luật Hợp tác xã năm 2003, thực chất HTX được hiểu như một doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, mà xã viên là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, hoặc cán bộ, công chức nhà nước, hay hộ gia đình và các pháp nhân tán thành Điều lệ HTX, góp vốn, góp sức, tự nguyện gia nhập HTX. Xã viên có nghĩa vụ góp vốn theo quy định của Ðiều lệ HTX, song cũng có quyền chuyển nhượng vốn góp và quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho người khác theo quy định của Ðiều lệ HTX. Xã viên có 11 quyền, trong đó quyền đầu tiên là “Ðược ưu tiên làm việc cho hợp tác xã và được trả công lao động theo quy định của Ðiều lệ hợp tác xã”, quyền thứ hai là “Hưởng lãi chia theo vốn góp, công sức đóng góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã”. Như vậy, xã viên thực chất là người làm công cho HTX, được trả công và chia lãi theo vốn góp. Hợp tác xã điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Ðây là điều trái với quy luật ra đời và phát triển HTX sản xuất của thế giới 150 năm qua. Năm 1844 (cách đây 171 năm), HTX đầu tiên trên thế giới ra đời tại Anh do 28 người thợ dệt thành lập. Năm 1849, Hội nguyên liệu - thực chất là HTX đầu tiên được thành lập tại Ðức để cung cấp các yếu tố đầu vào cho các thợ giày và thợ mộc đang có nguy cơ phá sản vì không cạnh tranh được với các công ty đồ gỗ và công ty giày do chi phí các nguyên liệu sản xuất cao. Khi các thợ dệt, thợ giày và thợ mộc thành lập HTX, họ vẫn tiếp tục là các hộ sản xuất cá thể, song thông qua HTX để cung cấp các yếu tố đầu vào cho sản xuất của mình (thậm chí cả thức ăn cho người lao động) với giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn là từng người họ có thể tự tìm mua được.
Các HTX nông nghiệp, thông qua việc mua các yếu tố đầu vào với số lượng lớn, khả năng đàm phán cao hơn các hộ cá thể, có thể cung cấp giống, phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, máy móc rẻ hơn cho các hộ xã viên. Hợp tác xã cũng có thể hình thành bộ phận sửa chữa máy móc nông nghiệp, xây dựng nhà kho, bảo quản nông sản đáp ứng nhu cầu của các hộ xã viên. Nguyên tắc chung là: cái gì HTX làm có lợi hơn là xã viên tự làm, hoặc cái gì xã viên không thể làm được thì HTX làm, qua đó làm cho sản xuất của các hộ xã viên đạt hiệu quả cao hơn. Bản thân các hộ xã viên vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm cây, con mà họ làm ra thuộc sở hữu của họ, không phải của HTX. Từ thực tiễn 155 năm tồn tại của các HTX sản xuất ở Ðức, có thể thấy họ có 4 đặc điểm rất khác các HTX của ta theo Luật Hợp tác xã năm 1996, 2003 và giai đoạn trước năm 2012 ở chỗ: Thứ nhất là sở hữu kép. Các xã viên sở hữu tư liệu sản xuất của riêng mình (đất đai, chuồng trại, gia súc, nông cụ,...) để có thể trực tiếp tiến hành nuôi, trồng, chế biến, làm ra sản phẩm của mình, đồng thời sở hữu một phần vốn của HTX để HTX thực hiện cung cấp các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai là thị trường kép. Thị trường nội bộ HTX là thị trường các dịch vụ mà HTX cung cấp cho xã viên (bán giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, cày bừa, tưới tiêu, sửa chữa máy móc, thu hoạch trên ruộng của xã viên,...) và xã viên phải trả tiền cho các dịch vụ này. Giá các dịch vụ này do HTX quyết định, thường là thấp hơn giá thị trường. Thị trường bên ngoài là thị trường mà các hộ xã viên bán sản phẩm của mình, phụ thuộc vào tình hình cung cầu và cạnh tranh trên thị trường. Thứ ba là hạch toán kép. Hạch toán của HTX nhìn chung phải không được thua lỗ hoặc lãi ít, để HTX đủ sức tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho xã viên. Hạch toán của từng hộ phải đạt thu nhập cao, ít nhất là cao hơn các hộ không tham gia HTX. Nếu không đạt được kết quả này thì HTX không còn lý do để tồn tại. Thứ tư là giám sát kép. Giám sát nội bộ là HTX tự giám sát thông qua ban kiểm soát và hội nghị xã viên. Giám sát bên ngoài là sự kiểm toán, giám sát, tư vấn của Liên hiệp HTX cùng ngành nghề, theo quy định của Luật Hợp tác xã của Cộng hòa Liên bang Ðức có từ năm 1889. Nhờ sự giám sát kép này mà trong suốt 80 năm qua, không có HTX nào ở Ðức bị phá sản.
Luật Hợp tác xã năm 2012 của Việt Nam thực chất là thể hiện sự thay đổi căn bản trong nhận thức của chúng ta về bản chất và vai trò của HTX, phù hợp với sự phát triển HTX của thế giới hơn 150 năm qua. Theo Luật Hợp tác xã năm 2003, HTX hoạt động như một doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, HTX nông nghiệp trực tiếp điều hành, tổ chức trồng cây, nuôi con, xã viên là người làm công cho HTX. Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, HTX hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho xã viên, còn việc trồng cây, nuôi con là việc của xã viên. Ðiều 4 Luật Hợp tác xã năm 2012 xác định các sản phẩm, dịch vụ của HTX cung cấp cho xã viên (thành viên) là:
- Mua chung sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để phục vụ cho thành viên;
- Mua sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để bán cho thành viên;
- Bán chung sản phẩm, dịch vụ của thành viên ra thị trường;
- Mua sản phẩm, dịch vụ của thành viên để bán ra thị trường;
- Chế biến sản phẩm của thành viên;
- Cung ứng phương tiện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ thành viên;
- Tín dụng cho thành viên;
- Các hoạt động khác theo quy định của Ðiều lệ HTX.
Ðiều 15 Luật Hợp tác xã năm 2012 xác định 6 nghĩa vụ của thành viên HTX, trong đó nghĩa vụ đầu tiên là “Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ”. Ðiều 16 Luật Hợp tác xã năm 2012 xác định các điều kiện chấm dứt tư cách thành viên HTX, trong đó có trường hợp “Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nhưng không quá 3 năm”.
Với các đặc trưng nói trên và một số nội dung mới khác của Luật Hợp tác xã năm 2012, có thể khẳng định các HTX theo Luật này là các HTX kiểu mới, hoàn toàn khác các HTX theo Luật năm 2003. Trong thực tế, từ trước năm 2012, vì sự tồn tại và cuộc sống của các hộ nông dân, ở nhiều nơi, các hộ nông dân đã sáng tạo tự thành lập và vận hành HTX theo các nguyên tắc mà sau này được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 . Một ví dụ điển hình là HTX chăn nuôi Quý Hiền thành lập năm 2010, gồm 24 hộ chăn nuôi gia cầm, lợn ở 10 xã trong huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Vốn điều lệ khi thành lập là 4,76 tỷ đồng, mỗi xã viên ngoài góp 15 triệu đồng bằng tiền mặt, còn lại phải góp các tài sản khác, như đất, ô-tô vận tải trị giá tối thiểu 135 triệu đồng, không phải để HTX sử dụng, mà vẫn do xã viên tự sử dụng, song khi cần thì HTX có thể đem thế chấp để vay vốn cho chính xã viên đó hoặc cho HTX. Ðến nay, HTX có 35 hộ xã viên, vốn điều lệ đạt 9,7 tỷ đồng. Còn nhiều hộ nông dân muốn gia nhập HTX, song do cân đối nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm của xã viên nên HTX chưa kết nạp thêm xã viên. Tuổi bình quân của xã viên là 35. Tất cả các hộ xã viên đều trực tiếp sản xuất, HTX làm những việc mà các hộ xã viên không tự làm được, hoặc làm được nhưng không hiệu quả. Sản phẩm của HTX là các dịch vụ: cung cấp vật tư cho xã viên (mỗi năm trên 3.000 tấn thức ăn, 50.000 gà giống, hơn 2.000 lợn giống) và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên (trên 1.000 tấn gà lông, 200 tấn thịt lợn hơi, trên 6 triệu quả trứng với doanh số hằng năm khoảng 60 tỷ đồng). Hợp tác xã hoạt động theo phương thức lấy đơn vị hộ làm đơn vị hạch toán kinh doanh, các hộ tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình, các hộ chỉ chịu trách nhiệm trước HTX đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh với hộ mình, như trả tiền cho vật tư mà HTX cung cấp, trả lãi và vốn vay mà HTX vay cho mình. Những việc các hộ nông dân làm không hiệu quả bằng HTX là mua vật tư trên thị trường, vay vốn cho sản xuất, kinh doanh, tổ chức dạy nghề cho nông dân, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nếu nông dân tự mua lẻ thức ăn cho gà, lợn ở các cơ sở bán thức ăn chăn nuôi thì vừa không có điều kiện kiểm tra chất lượng thức ăn, vừa phải mua với giá cao hơn. Nhưng nếu HTX mua thức ăn cho gia súc, gia cầm với số lượng lớn, thì mua trực tiếp tại các công ty có uy tín, như Công ty JAPFA, Công ty RTD, Công ty DEHEUS,... Nếu nông dân tự mua con giống gà, lợn ở các cơ sở giống tư nhân, họ không có khả năng kiểm tra chất lượng giống. Còn HTX mua con giống với số lượng lớn nên mua tại các công ty có uy tín, bảo đảm chất lượng mà giá lại thấp hơn. Tương tự như vậy, HTX mua thuốc thú y sẽ bảo đảm chất lượng và giá thấp hơn là các hộ nông dân tự mua. Ðể theo kịp tiến bộ khoa học - kỹ thuật về thức ăn, thuốc thú y và con giống, từng hộ cá thể không thể có điều kiện tiếp cận các khóa huấn luyện, vì khuyến nông của Nhà nước không đủ lực lượng và kinh phí để chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho từng hộ nông dân. Ðối với HTX, do mua thức ăn, thuốc thú y với số lượng lớn, HTX đã đặt điều kiện các công ty cung cấp thức ăn và thuốc thú y mỗi năm phải tập huấn ít nhất 2 lần về các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho các xã viên. Vì vậy, các xã viên được cập nhật kịp thời kiến thức, kỹ năng mà HTX lại không mất chi phí cho tập huấn. Việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân thông qua HTX hiệu quả hơn nhiều so với các hộ nông dân tự làm. Các hộ nuôi cá thể không thể ký hợp đồng bán sản phẩm cho các công ty mua gia cầm, gia súc hoặc các khách sạn, vì sau khi bán gia cầm hoặc gia súc phải từ 3 đến 6 tháng sau mới lại bán được lứa tiếp theo, trong khi các công ty, khách sạn cần mua hằng ngày. Ngoài ra, các hộ không thể chứng minh được sự đồng đều về chất lượng sản phẩm (liên quan đến giống, thức ăn, thuốc thú y) và kiểm soát an toàn thực phẩm nên các công ty, khách sạn không sẵn sàng mua. Còn HTX với hàng chục hộ xã viên có thể ký hợp đồng cung cấp gia cầm, gia súc hằng ngày và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Cũng vì lý do trên mà khi các hộ nông dân riêng lẻ đi vay vốn, rủi ro đối với các tổ chức tín dụng cao nên họ sẽ chỉ cho vay ít với lãi suất cao. Còn HTX, với việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, khả năng tiêu thụ ổn định và tài sản thế chấp của các HTX lớn hơn, sẽ dễ tìm được nguồn vốn lớn hơn với lãi suất thấp hơn cho các hộ xã viên.
Những việc các hộ xã viên không làm được là quy hoạch đàn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường và xây dựng các quỹ, nhất là quỹ dự phòng rủi ro. Các hộ cá thể không có khả năng dự báo nhu cầu thị trường và do không có khả năng bán bằng các hợp đồng với các công ty hoặc khách sạn nên không có căn cứ để quy hoạch đàn nuôi của mình. Nếu nuôi nhiều, vượt quá nhu cầu thị trường, giá sẽ thấp và dẫn tới thua lỗ. Còn HTX, thông qua nghiên cứu thị trường và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, khách sạn nên sẽ quy hoạch đàn nuôi của các hộ sao cho phù hợp với các hợp đồng đã ký. Thông qua đóng góp của các xã viên, HTX thành lập quỹ dự phòng rủi ro. Khi các hộ xã viên gặp rủi ro mà không phải do lỗi của họ, được cán bộ kỹ thuật của HTX và ban kiểm soát xác nhận, thì được cho vay bằng 80% mức thiệt hại với lãi suất bằng 0% để nuôi lại đàn mới, thời hạn trả là 3 lứa nuôi (12 tháng đối với gà và 18 tháng đối với lợn). Với cách làm như trên, HTX chăn nuôi Quý Hiền thực sự đã giúp các hộ xã viên giảm chi phí và nâng cao chất lượng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá cao hơn. Vì vậy vừa làm cho sản phẩm của xã viên có tính cạnh tranh cao hơn, vừa nâng cao thu nhập cho hộ xã viên, đồng thời kích thích tính sáng tạo, tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hộ xã viên.
Thực tế thành lập và vận hành các HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh các HTX này tuy chỉ có vài chục xã viên song đã thực sự giúp các hộ xã viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, nhất là quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp phải là các HTX. Chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua HTX, liên kết với doanh nghiệp qua HTX; chủ thể để tiếp nhận của các chính sách của Nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật; chủ thể để thực hiện liên kết nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học phải là HTX. Chủ thể để cơ khí hóa sản xuất, thủy lợi hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả cao phải là HTX và các doanh nghiệp, chứ không phải là các hộ nông dân với chỉ 2 lao động và đất canh tác dưới 1ha.
Một số việc cần triển khai sớm trong thời gian tới
Từ những chuyển biến về nhận thức và từ thực tiễn sinh động, sáng tạo trong thành lập và hoạt động của các mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Chính phủ, cần tập trung triển khai một số công việc chính sau đây:
Một là, sớm tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” làm cơ sở để các địa phương đưa nội dung chuyển đổi, thành lập và phát huy các HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vào nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ tới.
Hai là, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NÐ-CP hướng dẫn thi hành Luật ngày 21-11-2013, đến ngày 1-7-2016 phải hoàn thành việc rà soát và đăng ký lại các HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (đến nay mới có khoảng 10% số HTX đã hoàn tất rà soát, đăng ký lại). Ðể bảo đảm thời hạn nói trên, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt quá trình chuyển đổi này.
Ba là, các bộ, ngành và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần làm rõ: cơ quan nào ở cấp quốc gia có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu thị trường để cung cấp các thông tin phù hợp cho các địa phương, các HTX và các doanh nghiệp nông nghiệp.
Bốn là, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại cần triển khai quyết liệt việc cho các HTX kiểu mới vay vốn theo các nghị định của Chính phủ để tạo điều kiện cho các HTX kiểu mới tăng tốc phát triển trong 2 - 3 năm tới./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã