Học tập đạo đức HCM

Phát triển kinh tế trang trại ở Gia Lai

Thứ sáu - 10/05/2013 23:33
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 2.208 trang trại, trong số này có 2.020 trang trại trồng trọt, 81 trang trại chăn nuôi, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản, 59 trang trại kinh doanh tổng hợp. Kinh tế trang trại (KTTT) phát triển đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong đời sống nông nghiệp, nông thôn và người nông dân ở Gia Lai, tích cực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh vùng núi Tây Nguyên này phát triển theo hướng đa dạng hóa, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo.


Hướng đi đúng

Trong số hơn 2.200 trang trại hiện có của tỉnh Gia Lai thì chủ trang trại là nông dân chiếm 81,6%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng một đến 2%, còn lại là các thành phần khác. Ðiều này cho thấy, người nông dân ở Gia Lai là lực lượng tiên phong và nhạy bén khi tiếp cận nền sản xuất mới này. Cũng dễ hiểu, bởi đặc điểm của Gia Lai, một tỉnh đất rộng người thưa nhưng bù lại được thiên nhiên ưu đãi bằng chất đất ba-dan màu mỡ khá thuận lợi cho các loại cây trồng công nghiệp dài ngày như cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều và chăn nuôi đại gia súc. Theo đó, phát triển KTTT là con đường ngắn nhất để người nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Từ việc xác định đúng đắn vai trò của KTTT, những năm gần đây, cùng với cơ chế chính sách chung của Nhà nước, tỉnh đầu tư kinh phí hình thành những vùng kinh tế trang trại chuyên sâu và tập trung tại một số huyện như: Cây hồ tiêu ở Chư Sê, mía ở An Khê, Kbang, Ayun Pa; chăn nuôi bò ở Krông Pa. Ngoài ra đi liền với việc này là xây dựng các nhà máy phục vụ cho chế biến và thu hoạch như các nhà máy chế biến hạt điều ở Krông Pa, bông vải và tiêu sạch ở Chư Sê; mía đường ở An Khê và Phú Thiện... Nhờ vậy đã thu hút nhiều người tham gia và mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển KTTT đúng hướng.

Mặc dù đã được các cán bộ Ðoàn xã Ia Blang (Chư Sê, Gia Lai) giới thiệu từ trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đến thăm ngôi nhà của anh Nguyễn Phước Thiện (sinh năm 1975), được xây dựng cạnh đường với khoảng sân rộng dùng làm sân phơi hồ tiêu. Vào bên trong lại thêm một lần ngạc nhiên bởi các vật dụng trang trí nội thất khá đắt tiền. Anh Thiện tâm sự: Quê ở Thừa Thiên-Huế, năm 1977, theo gia đình vào xây dựng kinh tế mới. Ban đầu, chỉ trồng ngô, tỉa đậu, tỉa lúa trong mùa mưa, còn lại sáu tháng vất vả với cái nắng và đói giáp hạt, nhiều người đã thoái chí bỏ về. Gia đình Thiện đông anh em, về lại quê cũng khó, cho nên đã bàn bạc và quyết định ở lại. Rồi cái khó cũng qua đi với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh em Thiện đã chọn cây hồ tiêu làm cây mũi nhọn. Tích cóp qua hằng năm, đến nay anh có 10 nghìn trụ hồ tiêu, trong đó có tám nghìn trụ cho thu hoạch, tính bình quân vụ năm vừa qua với 4,5 kg/trụ, giá hơn 120 nghìn đồng/kg, đã cho thu hoạch vài tỷ đồng. Ðó là chưa kể khoản thu hơn bốn ha cà-phê với giá vài trăm triệu đồng, thu nhập từ tiêu của gia đình anh đã lên tới 700 đến 800 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Khanh quê Hưng Hà (Thái Bình), đến lập nghiệp ở khối phố 10, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hơn 10 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mặc dù rất chịu khó, chí thú làm ăn nhưng đói khổ vẫn đeo đuổi. Năm 2005, với sự hướng dẫn của Hội Nông dân huyện, anh được vay vốn của Ngân hàng Chính sách-Xã hội, cộng với nghị lực và quyết tâm thoát nghèo, khu đất gò đồi bạc màu của gia đình từng nhọc sức khai hoang ngày nào, giờ đã là một trang trại rộng gần 10 ha với bạt ngàn mầu xanh của cây điều, cam, bưởi, chuối cùng với đàn bò hơn 30 con và đàn dê gần 400 con. Anh Khanh cho biết: Không chỉ được giúp đỡ về vốn vay của ngân hàng mà việc tư vấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm của các cơ quan chuyên môn đã giúp gia đình anh xây dựng trang trại một cách khoa học: Chỗ đất thấp thì đào ao nuôi cá; những nơi bằng phẳng trồng điều; chỗ gò, đồi trồng cây ăn trái; vùng trũng ven suối thì trồng chuối và cỏ voi để lấy nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc... Cũng chính nhờ sự tận tình tư vấn kỹ thuật này, anh đã xây dựng trang trại của mình thành một mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín thu nhỏ, đem về mỗi năm gần 100 triệu đồng sau khi đã khấu trừ chi phí sản xuất. Ðó là hai trong nhiều chủ trang trại thành đạt nhờ vào KTTT. Ở Gia Lai bây giờ có khá nhiều người cũng nhờ phát triển KTTT mà trở thành những tỷ phú nông dân như ông Ngô Công Ðoan, ở Ðức Cơ, với mô hình trang trại khép kín gồm 38 ha cao-su, bảy ha tiêu, ba ha cà-phê... hằng năm, thu hơn năm tỷ đồng; ông Nguyễn Ðình Phúc, ở Chư Sê mở trang trại nuôi đến bốn nghìn con bò, hằng năm thu nhiều tỷ đồng...

Ðáng chú ý KTTT còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua tìm hiểu, hiện cứ bình quân từ ba đến bốn lao động/trang trại thì đã có gần tám nghìn lao động nông thôn được tạo việc làm thường xuyên. Hầu hết các trang trại hiện sử dụng lao động mang tính thời vụ. Ít nhất mỗi trang trại giải quyết việc làm cho 30 đến 40 lao động, nhiều 60 đến 70 lao động, thậm chí cả trăm lao động; tiền công bình quân 100 nghìn đồng/ngày, thời điểm chính vụ được trả 150-200 nghìn đồng/ngày. Ở góc nhìn khác, với Gia Lai, một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49% số dân, thì phát triển KTTT còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực về mặt xã hội. Nếu trước đây bà con dân tộc thiểu số chỉ quen sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác lạc hậu "phát, đốt, chọc, trỉa" thì hiện nay, qua việc làm công trong các trang trại, họ đã có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học-kỹ thuật; làm quen với máy móc phục vụ sản xuất và có thể tách ra thành lập trang trại riêng với vai trò người làm chủ.

Ðể KTTT phát triển bền vững

Từ thực tế trong những năm qua có thể khẳng định, KTTT nói chung, KTTT ở Gia Lai nói riêng phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực cả về mặt kinh tế - xã hội. Cái lợi dễ thấy nhất là việc sử dụng có hiệu quả nguồn lợi đất đai, tạo ra những tiềm lực phát triển mới trong nông nghiệp, nông thôn. Từ KTTT người nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý và sản xuất, tích tụ được ruộng đất. Mặt khác, cũng từ KTTT đã thúc đẩy việc hình thành các nhà máy chế biến tập trung, tạo điều kiện thu hút lao động nông thôn, cũng như sự phân công lao động mới, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy quá trình CNH, HÐH nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, để KTTT ở Gia Lai thật sự trở thành một trong những động lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng đa dạng và bền vững thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Trước hết là các vấn đề thuộc về chính sách. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định số 03/NÐ-CP về phát triển KTTT; một số Thông tư liên tịch quy định cụ thể tiêu chí cũng như các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTT nhưng ở Gia Lai do nhiều yếu tố tác động, việc triển khai còn quá chậm do vậy cũng dễ hiểu vì sao đến nay, trong tổng số hơn hai nghìn trang trại đang hoạt động đã có 50 đến 60% trong số đó chưa được cấp quyền sử dụng đất, khiến nhiều chủ trang trại gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, thiệt thòi trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như vay vốn, miễn giảm thuế, tiêu thụ sản phẩm... Ðó là chưa kể các rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến động về giá cả thị trường... Chi cục trưởng Chi cục HTX và PTNT thuộc Sở NN và PTNT Gia Lai Phạm Văn Long, cho biết: Hiện Sở đang có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập hiệp hội, các chi hội, câu lạc bộ hoặc HTX trang trại làm chức năng cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật, dự báo thị trường và lo đầu ra cho sản phẩm. Về lâu dài, KTTT ở Gia Lai cần được định hướng rõ nét hơn nữa, khắc phục sự thiên lệch, mất cân đối về loại hình trang trại hiện nay. Ðáng lưu ý, số trang trại lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao (2.020/2.208 trang trại), điều này dẫn đến việc diện tích đất bị chiếm dụng lớn, chưa kể do chức năng kinh doanh của nông nghiệp cần sử dụng nhiều lao động, nhiều hóa chất, ảnh hưởng môi trường sinh thái (mất cân đối nguồn nước, sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu...). Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí KPă Thuyên, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Gia Lai cho rằng: Những bất cập, hạn chế nêu trên, với chức năng là cơ quan chủ quản, tham mưu cho UBND tỉnh, chúng tôi cũng đã có kiến nghị tháo gỡ. Trước mắt, tập trung thực hiện Quyết định số 03 của Chính phủ gắn với việc thực hiện Quyết định số 80/2002/QÐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất thông qua hợp đồng trách nhiệm với các doanh nghiệp nhà nước, thông qua mối liên kết "bốn nhà", nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất yên tâm về đầu ra cho các sản phẩm. Vấn đề trợ cước, hỗ trợ vật tư... làm sao đến được tay người sản xuất trực tiếp mà không cần qua khâu trung gian, tránh thất thoát, lãng phí... cũng được quan tâm hơn. Qua nghiên cứu thực tế phát triển KTTT ở Gia Lai, Sở tham mưu cho UBND tỉnh và tập trung chỉ đạo theo ba vùng cụ thể. Ðối với vùng ven đô, tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, các trang trại kinh doanh rau, cây ăn quả... theo hướng thâm canh, công nghệ cao, sử dụng ít đất. Ðối với vùng dân cư phát triển, tập trung khai hoang đất trống, đồi núi trọc, chăn nuôi mang tính quảng canh, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ về chính sách và kinh phí cho các đơn vị sản xuất kinh doanh gắn với mở các cơ sở đào tạo nghề, tạo việc làm và tuyển dụng lao động, ưu tiên cho người tại chỗ và lao động người dân tộc thiểu số. Ðối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ trương bảo đảm đủ đất sản xuất, hỗ trợ hình thành trang trại mẫu theo địa bàn xã và cụm xã, trên cơ sở đó từng bước giúp đồng bào chuyển dần từ phương thức canh tác tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo thị trường. Ngoài ra, ngành cũng đề xuất và tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ như, cho vay vốn ưu đãi, giảm thuế, hỗ trợ kỹ thuật... nhằm tạo mọi điều kiện cho KTTT phát triển đúng hướng, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn.

BÀI VÀ ẢNH: PHAN HÒA
Theo nhandan.org.vn


 Tags: trang trại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập475
  • Hôm nay35,295
  • Tháng hiện tại740,408
  • Tổng lượt truy cập90,803,801
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây