Thưa ông, những khởi sắc thấy rõ trong lĩnh vực tam nông của Thăng Bình chắc chắn bắt đầu từ những quyết sách của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX?
Làng rau sạch Hưng Mỹ (xã Bình Triều) đã giúp người nông dân có thu nhập khấm khá hẳn lên. Ảnh: Đ.H
- Có thể khẳng định như vậy. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về phát triển tam nông, như Nghị quyết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020; Chương trình hành động của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020... Bên cạnh đó, UBND huyện Thăng Bình xây dựng nhiều đề án và HĐND huyện ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và phát triển cây cao su; đặc biệt là kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Đó đều là những “bệ phóng” giúp tam nông Thăng Bình cất cánh.
Cụ thể, tam nông của huyện đạt những kết quả ấn tượng nào?
- Thành công đáng kể nhất là NTM. Từ xuất phát điểm thấp, nhờ định hướng đúng đắn, Thăng Bình đã có xã Bình Tú đạt chuẩn NTM năm 2014; năm nay phấn đấu thêm 5 xã khác về đích NTM. 5 năm qua, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của Thăng Bình đạt 1.600 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 6,27%. Chúng tôi đã quy hoạch 33 cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung; dồn điền đổi thửa trên 6.000ha...
Theo ông Phan Công Vỹ, Thăng Bình sẽ hình thành các hình thức tổ chức sản xuất theo kiểu "mạng lưới" ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận KHKT để ứng dụng vào sản xuất, chú trọng liên kết “4 nhà”... |
Huyện cũng đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả cao, như trồng hoa ly ly; rau sạch Mỹ Hưng; nuôi cá lóc trải bạt, nuôi bò nhốt, nuôi gà thả vườn trồng nấm rơm… Nhiều mô hình đạt giá trị kinh tế trên 100 triệu đồng/ha, riêng nuôi trồng thủy sản đạt 420 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,7% (năm 2010) xuống dưới 6% (2015); thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt 21,8 triệu đồng/người/năm.
Chắc chắn, tam nông vẫn là sự chú ý đặc biệt của Đại hội XX?
- Đúng vậy. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đề ra nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo phát triển bền vững trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, kinh tế hợp tác và làng nghề nông thôn. Chủ động chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phấn đấu giữ tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3%.
Những năm tới, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phấn đấu sản lượng khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm đạt trên 18.000 tấn/năm.
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM là mối quan tâm lớn, là nhiệm vụ xuyên suốt của toàn Đảng bộ huyện nhiệm kỳ đến. Huyện ủy Thăng Bình đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 70% số xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn xã NTM. Thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng vào năm 2020.
Xin cảm ơn ông.
Dấu ấn 5 năm Đột phá về giao thông nông thôn: Từ 2010-2015, huyện Thăng Bình đã đầu tư xây dựng 114km đường huyện, 22km đường xã, 248km giao thông nông thôn và 35,35km giao thông nội đồng. Ngoài ra, hạ tầng về trường học, y tế, điện... cũng được quan tâm đầu tư đạt chuẩn. Tỷ lệ công chức đạt chuẩn tăng 30%: 5 năm qua, huyện đưa đi đào tạo chính trị 418 cán bộ và đào tạo chuyên môn đại học, sau đại học cho 258 cán bộ. Đến nay, trưởng, phó các phòng ban chuyên môn huyện trở lên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 89%. Đặc biệt, tỷ lệ công chức xã, thị trấn 3 chuẩn đạt 82% (tăng 30% so với đầu nhiệm kỳ). Tăng trưởng kinh tế trên 17%: 5 năm qua, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Thăng Bình đạt 6.418 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 17,11%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ (từ 32,2% tăng lên 42,3%) và công nghiệp - xây dựng (31,8% tăng lên 35,7%), giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp (từ 36% giảm còn 22%). Trong đó, giá trị ngành công nghiệp - xây dựng đạt 2.040 tỷ đồng và dịch vụ đạt 2.779 tỷ đồng. Riêng giá trị ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định với giá trị toàn ngành đạt 1.600 tỷ đồng, tăng bình quân 6,27%/năm. Đoàn Hồng (tổng hợp) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã