Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trò chuyện với gia đình ông Muyh Hin Pak. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Ông Tee Han Suek, 60 tuổi, cùng vợ sở hữu 2,3ha trồng lê - giống quả mà hơn một năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn của Việt Nam. Sau khi thu hoạch, người của Liên minh HTX Hàn Quốc sẽ đi thu mua số quả này (theo hợp đồng) để bán ở thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. Việc trồng lê đã mang lại thu nhập cho gia đình ông Tee Han Suek khoảng 80.000 USD/năm.
“Trừ đi chi phí khoảng 30 - 40% thì còn lại là lãi”, ông Suk chia sẻ với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khi Phó Thủ tướng tới thăm khu vườn của ông.
Cách đó 7km là cánh đồng rộng 0,8ha trồng dưa chuột của ông Muyh Hin Pak. Nói là cánh đồng nhưng hầu như diện tích trồng trọt đều được quây nylon thành nhà vườn để đảm bảo cho cây trồng tăng trưởng tốt nhất.
Hằng năm, doanh thu từ dưa chuột của gia đình ông Pak là khoảng 12.000 USD. “Nếu trồng lúa thì chỉ được 3.000 USD”, ông Pak cho biết.
Cứ đến mùa vụ, HTX của thôn (thuộc Liên minh HTX Hàn Quốc) cung cấp giống cây trồng, phân bón,... để nông dân (như ông Pak) gieo trồng, và cũng chính tổ chức của người nông dân này lại thu mua sản phẩm để bán tại hệ thống cửa hàng của mình trên khắp đất nước Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm kho lạnh bảo quản nông sản (bảo quản được 10 tháng) của gia đình ông Tee Han Suek. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Một cán bộ của Liên minh HTX Hàn Quốc cho biết, Liên minh xây dựng một đội ngũ nhân viên tìm hiểu về thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng, sau đó các số liệu được tổng hợp phân tích để đặt hàng sản xuất tới người nông dân. Cuối cùng, sẽ có khoảng 10.000 nhân viên trực tiếp thu mua nông sản của nông dân.
“20 năm trước đây, chúng tôi đã thực hiện việc này và phải chịu cạnh tranh gay gắt với những người buôn lẻ, nhưng dần dần, nhờ cách làm bài bản, khoa học, gắn bó với người nông dân từ khâu sản xuất tới tiêu dùng nên đã đánh bật người buôn lẻ, buộc họ phải chuyển nghề khác”, vị này cho biết.
Hai mô hình mà Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đi thăm chỉ là hai mô hình sản xuất cá thể trong cách thức tổ chức sản xuất ở nông thôn của Hàn Quốc. Ông Lee Beom Seok, Trưởng Phòng Quốc tế của Liên minh HTX Hàn Quốc còn cho biết, có rất nhiều mô hình lớn theo hướng tích tụ ruộng đất của nông dân ở xứ sở Kim chi này.
Nói về những ngày đầu thực hiện phong trào Làng mới, ông Lee Beom Seok cho biết, chủ trương của Chính phủ lúc đó là muốn xóa bỏ đi hình ảnh “nông thôn đau khổ”. Mặc dù coi trọng tăng thu nhập cho nông dân qua việc thay đổi sản xuất, nhưng công việc xây dựng Làng mới đầu tiên của Hàn Quốc bắt đầu từ việc “làm sạch sẽ các làng” qua những việc nhỏ như sửa mái nhà, dọn dẹp đường xá,... sau đó mới là tăng thu nhập cho nông dân.
“Tăng thu nhập cho nông dân, thay đổi sản xuất không chỉ là nhiệm vụ của vùng nông thôn, mà của cả thành thị, nhất là các công ty, doanh nghiệp. Huy động được các thành phần này, Hàn Quốc chỉ mất 26 năm để làm thành công Làng mới. Đến thời điểm hiện tại đã là phong trào Làng mới lần thứ 3”, ông Seok chia sẻ.
Thành Chung
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã