“Lơ lửng” đăng ký hợp quy
Sản xuất phân bón trong thời gian dài vừa qua trở nên bất cập, xuất hiện nhiều “doanh nghiệp cuốc xẻng”, dẫn đến tình trạng ngược đời “cá bé nuốt cá lớn”, ảnh hưởng đến chất lượng phân bón, đến doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính và đến năng suất cây trồng của nông dân. Để chấn chỉnh, Thủ tướng Chính phủ ban hành NĐ 202/2013 về quản lý phân bón. Thế nhưng, gần đến thời gian hiệu lực mà việc đăng ký hợp quy sản phẩm của DN trở nên rối rắm. Tiến sĩ Võ Quốc Khánh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Sinh, cho biết việc đăng ký sản phẩm hợp quy có sự chồng chéo và bị vướng nhiều khâu. Công ty có loại phân bón lá NPK, được khảo nghiệm của Hội đồng Khoa học Bộ NN-PTNT sử dụng trên 20 năm nay, nhưng khi đăng ký hợp quy sản phẩm này, bộ nào cũng lắc đầu chỉ vì một trong 3 chỉ tiêu N, P, K không nằm trong giới hạn quy định của hai bộ. Mặc dù tất cả đều hợp pháp và sản phẩm đã được thực tế chứng minh từ lâu nhưng không ai chịu chứng nhận khiến sản phẩm bị treo “lơ lửng”.
Sản xuất phân Urê tại Nhà máy đạm Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Trương Hợp Tác, Trưởng Phòng Quản lý Đất - Phân (Cục Trồng trọt), trấn an rằng đây là sản phẩm hợp lệ, có trong danh mục nhưng sản phẩm này do Bộ Công thương quản lý nên việc chứng nhận sản phẩm hợp quy là trách nhiệm của bộ này. Theo quy định, nếu DN sản xuất phân bón vô cơ lẫn hữu cơ, hai bộ cần có sự phối hợp, nhưng Bộ NN-PTNT chưa nhận được hồ sơ của Công ty cổ phần Thiên Sinh từ Bộ Công thương.
Theo nhận định của nhiều DN, khi NĐ 202/2013 ra đời, giao hai bộ quản lý thì mọi việc trở nên rối ren, DN gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Sản phẩm phân đơn vô cơ như lân, đạm, DAP cơ bản đã ổn vì có quy chuẩn quốc gia, nhưng các loại phân bón NPK chưa có quy chuẩn quốc gia nên các DN không biết công bố sản phẩm hợp quy theo quy chuẩn nào. Một DN phản ánh, đa số sản phẩm của đơn vị sản xuất liên quan đến việc quản lý của Bộ Công thương, nhưng nộp hồ sơ mà vẫn chưa biết là có hợp lệ không khi chưa nhận câu trả lời. Trong danh mục, phân bón lá là vô cơ, nhưng bộ phận tiếp nhận hồ sơ cho rằng do phân bón lá chưa có quy chuẩn quốc gia, vì thế DN nên tự công bố chất lượng sản phẩm. “Vậy điều này có ngược với quy định NĐ 202 hay không? Chúng tôi muốn làm đúng nhưng không biết phải làm thế nào? Đã 6 tháng nay không ai trả lời khi hồ sơ đã nộp. Vậy chúng tôi phải làm sao, gặp ai? Khi một bộ quản lý, DN đã mệt. Bây giờ là 2 bộ quản lý, DN càng mệt hơn”, DN nói trên bức xúc đặt nhiều câu hỏi. Trường hợp này, Cục Trồng trọt trả lời, theo quy định, khi nhận hồ sơ trong vòng 20 ngày, nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được cấp giấy chứng nhận, nếu chưa thì phải cho biết thiếu thủ tục gì để DN bổ sung. DN cần chủ động hơn cũng như có nhiều cách tiếp cận thông qua Cổng thông tin Chính phủ, ý kiến cử tri với đại biểu Quốc hội hay gặp trực tiếp Bộ Công thương.
Lẫn lộn “hợp quy” và “chất lượng sản phẩm”
Do sự bát nháo trong sản xuất và kinh doanh phân bón nên nhà nước phải siết lại, nhưng nhiều DN phản ánh, với quy định về vấn đề nhân sự, đội ngũ quản lý, điều hành phải có trình độ chuyên môn, trong đó, giám đốc, phó giám đốc phải tốt nghiệp đại học trở lên, thì sẽ không có nhiều DN đáp ứng được. Việc sản xuất phân bón có điều kiện là cần thiết, nhưng nếu đưa ra những quy định ngặt nghèo có thể bóp chết DN trong nước và tạo điều kiện DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Phải chăng NĐ 202 đã “siết” quá chặt? Theo TS Lê Duy Hiếu, Giám đốc Khối Bảo đảm chất lượng và Nghiên cứu phát triển - Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, Vedan có sản phẩm Vedangro từ năm 2005, nhưng khi đăng ký hợp quy, theo Thông tư 41 của Bộ NN-PTNT thì phải làm khảo nghiệm lại vì vướng yếu tố kỹ thuật. Mà khảo nghiệm phải mất 1 năm, trong khi thực tế đã được kinh doanh cả chục năm nay. Đây là trường hợp điển hình và khá phổ biến trong tình hình hiện nay như nhận định của Cục Trồng trọt: “Vì trước đây quản lý theo danh mục, thành phần thế nào ghi đúng như vậy, nhưng với Thông tư 41 lại theo quy định khác. Vấn đề này chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ NN-PTNT để có ý kiến cụ thể. Trong quản lý nhà nước, thuốc bảo vệ thực vật được quy định rõ các sản phẩm nhập khẩu về sang chai đóng gói, nhưng với phân bón còn bỏ sót tình huống này nên gây lúng túng khi chứng nhận sản phẩm hợp quy”.
Ngay cả việc đăng ký chứng nhận hợp quy, theo TS Trương Hợp Tác, nhiều nơi khi triển khai vẫn còn lẫn lộn hợp quy với chất lượng sản phẩm, nhất là với các sản phẩm hay nguyên liệu nhập khẩu. Hợp quy là xem xét sản phẩm đó có phù hợp với điều kiện Việt Nam, có ảnh hưởng đến môi trường hay không, chứ không phải là chất lượng hàng hóa. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp Sở NN-PTNT TPHCM Ngô Văn Đức Tiến, nên cụ thể thêm thuật ngữ hợp quy và chất lượng sản phẩm để các bên hiểu đúng khi triển khai, tránh gây ra những rối rắm không đáng có. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp khi diễn giải càng thêm rối. Như phân hữu cơ khoáng và phân khoáng hữu cơ, với mục đích diễn giải cho rõ hơn xem chất nào là chính trong sản phẩm nhưng làm cho việc triển khai bị rối. Hay như một DN có sản phẩm “Con Rồng Xanh” nhưng trong công bố sản phẩm hợp quy lại ghi “Rồng Xanh”, gây lúng túng và khó khăn cho DN và cả địa phương quản lý. Thực tế khi triển khai NĐ 202, nhiều trường hợp DN gặp khó khăn trong việc đăng ký sản phẩm phân bón hợp quy, nhất là với sản phẩm NKP (do bị vướng như các trường hợp trên) nên xuất hiện tình trạng “cò” chuyên chạy thủ tục, gây dư luận không tốt đối với cơ quan quản lý nhà nước.
CÔNG PHIÊN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã