Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 5 năm thực hiện Chương trình Tam nông theo Nghị quyết TW 7 khóa X và sau 3 năm triển khai thực hiện NĐ 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, cơ cấu tín dụng trên địa bàn Quảng Nam đã chuyển dịch mạnh sang hướng tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Các TCTD đã ưu tiên một lượng lớn tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp - nông thôn với lãi suất ưu đãi. Từ năm 2008 đến cuối tháng 5/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng bình quân 25,48%/năm.
Đến ngày 31/5/2013, dư nợ cho vay tam nông trên địa bàn Quảng Nam đạt 6.344,77 tỷ đồng, với 1.845.372 lượt khách hàng vay. Số khách hàng còn dư nợ đến thời điểm hiện tại là 258.335 khách hàng, chiếm tỷ trọng 28,34% tổng dư nợ, tăng 4,88% so với đầu năm và tăng 15,27% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của tín dụng chung trên địa bàn.
Thông qua các Hội đoàn thể, nguồn vốn ưu đãi đã đến được với các hộ chính sách trên địa bàn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ mà những hộ nghèo, những đối tượng thuộc diện ưu đãi trên địa bàn nông thôn Quảng Nam đã có điều kiện đầu tư vào sản xuất - kinh doanh và học tập để từng bước nâng cao đời sống.
Nguồn vốn cho vay được phân bổ ở nhiều lĩnh vực tại nông thôn với đối tượng cho vay cũng được mở rộng từ cá nhân, kinh tế hộ đến các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nông thôn của tỉnh, trong đó, đầu tư tín dụng cho kinh tế hộ gia đình rất được quan tâm, chú trọng (chiếm tỷ trọng 41,8% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn). Đây là loại hình kinh tế chủ yếu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và trực tiếp nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn nông thôn Quảng Nam.
NHNN cho biết, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền và sự tham gia hưởng ứng của người dân, tuy nhiên việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho tam nông vẫn gặp nhiều trở ngại liên quan đến các thủ tục hành chính, đến luật đất đai, chứng nhận quyền sử dụng đất; về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, mô hình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp; việc quy hoạch trong sản xuất - kinh doanh còn hạn chế. Đây là rào cản đối trong đầu tư nông nghiệp - nông thôn với quy mô lớn.
Để tăng cường hơn nữa việc đầu tư tín dụng của các TCTD cho tam nông, NHNN cho rằng, ngoài giải quyết những trở ngại về quyền sử dụng đất, tài sản thế chấp, địa phương cần đẩy nhanh việc khảo sát, quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa: cây, con, ngành nghề, vùng kinh doanh tổng hợp… và có đầu ra ổn định. Trên cơ sở đó ngân hàng nắm bắt được nhu cầu vay vốn của khách hàng để chủ động đầu tư.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã