Sau 5 năm (2009 - 2015) phát động xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Anông, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có những khởi sắc. Tính đến cuối tháng 12/2014, 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã đã hoàn thành đúng như kế hoạch được giao. Đón năm mới 2015 cũng là lúc người dân Anông náo nức chào đón sự kiện là một trong 10 xã điểm của tỉnh được công nhận hoàn thành chương trình nông thôn mới. Đây là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của một xã vùng biên nghèo này.
Những ngày cuối năm 2014, cũng như các thôn khác, dân làng thôn Anoonh, xã Anông náo nức đón đoàn công tác của tỉnh về kiểm tra công nhận xã điểm hoàn thành chương trình nông thôn mới. Như vậy, sau 5 năm, từ những con số không: không đường, không điện, không trường, không trạm, đến nay xã Anông đã có trường học khang trang, đường giao thôn được rãi nhựa, bê tông hóa rộng rãi. Người dân có nước sạch để dùng, có mặt bằng để ở sạch đẹp, có sân bóng đá, bóng chuyền, có thư viện, nhà văn hóa xã... cho trẻ em vui chơi. Đời sống vật chất và tinh thần của họ ngày một khởi sắc.
Già làng Arâl Đút, thôn Anoonh, một người con gắn bó lâu năm nhất với thôn Anoonh không giấu nổi niềm vui khi chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày: "Trước đây, thời giặc, thời Pháp khó khăn lắm. Hòa bình rồi, nghe lời Đảng, Bác Hồ bà con bắt tay xây dựng làng, xây dựng Gươl, xây dựng mặt bằng thôn văn hóa, xã văn hóa. Rồi huyện cử cán bộ uy tín xuống giúp dân làm lúa nước, xóa đói giảm nghèo. Mình tham gia vận động con cháu phải siêng năng làm ăn, góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. Từ khi có nông thôn mới, thôn mình có xe máy, có xe to đến nơi. Mình sung sướng vì có độc lập, tự do. Bà con mình có cơm ăn, áo mặc, ấm no”.
Theo báo cáo của xã Anông, sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Anông cơ bản đã đạt 19/19 tiêu chí. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình này đạt trên 15 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư 41,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 8,2 tỷ đồng, ngân sách huyện 2,2 tỷ đồng cộng với các doanh nghiệp hỗ trợ 8,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 13 tỷ đồng chưa tính đến việc hiến đất, cây cối hoa màu, nhà cửa và góp công để làm.
5 năm xây dựng nông thôn mới, người dân xã Anông đã tự nguyện hiến 7,5ha đất sản xuất, hy sinh hàng trăm cây cối, hoa màu các. Nhiều hộ còn huy sinh cả nhà cửa sẵn sàng di dời về nơi ở mới, nhường đất đai để cải tạo đồng ruộng, để xây dựng trường học, trạm y tế, sân vận động... mà không đòi hỏi một đồng tiền đền bù nào.
Già làng Alăng Đàn, thôn Arớt, xã Anông là người có công lớn trong việc vận động nhân dân hiến đất, hoa màu để xây dựng nông thôn mới. Riêng gia đình ông hiến trên 2 ha đất, 2 ao cá, hàng trăm cây ăn trái. Ông cũng là người có công lớn trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là công tác di dời nhà cửa, hiến đất.
Ông tâm sự: "Từ chủ trương Đảng, Nhà nước, xây dựng thôn mới vẫn theo phong tục truyền thống Cơ Tu. Gươl làm trung tâm, nhà dân bố trí xung quanh. Xây dựng nông thôn mới có mặt bằng, nước sinh hoạt, ao cá. Đảng, Nhà nước đầu tư trường học, mặt bằng. Mình vận động bà con hiến đất hiến, cây cối làm ruộng, làm sân thể dục thể thao. Mình rất tin tưởng sự đầu tư xây dựng nông thôn mới”.
Tại buổi đón tiếp đoàn công tác của tỉnh về kiểm tra, ông Alăng Bao, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Anông không giấu nổi xúc động của mình khi được đoàn công tác công nhận 100% các tiêu chí đều đạt và vượt. Ông nói: "Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền xã cộng với sự hưởng ứng đồng tình của người từ dân, từ những con số không, nay xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng địa phương được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bộ mặt nông thôn nơi đây ngày một khang trang, bề thế”.
Ông Nguyễn Văn Gặp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đánh giá: "Anông là xã miền núi đầu tiên của tỉnh hoàn thành nông thôn mới. Nhiều tiêu chí đạt và vượt, nhất là trên lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh được nâng cao. Bộ mặt nông thôn mới miền núi ngày một thay đổi. Xã Anông ngoài những cây trồng truyền thống thì cần mạnh dạn đưa vào trồng một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như cao su, keo lai, bắp lai...".
Có thể nói việc hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới mới ở xã điểm vùng cao Tây Giang chỉ là bước đệm ban đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Điều quan trọng là cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn yêu cầu của các tiêu chí này. Sau 10 năm, 20 năm nữa thì các tiêu chí này vẫn được duy trì và phát triển.
Thời gian tới, Anông vẫn phải tiếp tục đẩy manh phát triển mô hình sản xuất, tạo điều kiện đầu tư sản xuất nông nghiệp-nông thôn; giữ gìn văn hoá, bản sắc miền núi; cân đối nguồn lực đầu tư đảm bảo tính liên kết hạ tầng trong xã, đảm bảo tính ưu việt là xây dựng nông thôn mới là chương trình của dân, vì dân.
Anông được đứng vào top 10 xã điểm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vào cuối năm 2014 là một vinh dự lớn của Đảng bộ và người dân vùng biên Tây Giang; là điểm sáng, tiền đề quan trọng để huyện Tây Giang (một trong những huyện nghèo nhất nước) tiếp tục hoàn thành việc xây dựng chương trình này tại 9 xã còn lại./.