Nông dân Hoàng Văn Xuân vẫn được nhiều người ở Kỳ Sơn (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) quê ông nhìn nhận là chăm chỉ làm ăn và khéo tính toán. Mỗi năm, từng vụ dưa hấu, bắp cải, hoa lơ xanh, rau gia vị… đem về cho hộ gia đình ông trên 100 triệu đồng thu nhập, hơn cả khoản tiền công của cô con dâu làm may trên huyện. Như vụ hoa lơ xanh bỏ mối thương lái dịp Tết năm nay, ông Xuân thu về hơn một chục triệu đồng, do giá cải thiện hơn so với năm trước.
Ngành nông nghiệp Việt Nam với đa dạng sản phẩm, thị trường ngày càng mở rộng cho những nông dân như ông Xuân cơ hội sản xuất hàng hóa và tăng thu nhập như thế. Vào năm ngoái, ngành này tạo ra giá trị sản phẩm khoảng 560 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 11,2% GDP, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong đó, rau quả đang là một trong những nhóm sản phẩm mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu mạnh mẽ ra nhiều nước trên thế giới.
Năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vượt con số 3,5 tỷ USD kim ngạch, tăng 42,5% so với năm 2016. Với kết quả này, xuất khẩu rau quả đã vượt cả kim ngạch xuất khẩu cà phê, gạo, thậm chí là dầu thô. Riêng trong tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 383,7 triệu USD, tăng 18,3% so với tháng trước và tăng 63,6% so với tháng 1/2017.
Những nông dân như ông Xuân có lẽ khó biết được rằng sản phẩm của mình làm ra, sau khi qua tay thương lái có thể lên bàn ăn của người Bắc Kinh (Trung Quốc), hay được dân Tokyo (Nhật Bản) thưởng thức vào mỗi bữa tối… Dù cho, đây đang là những thị trường tiêu thụ có tốc độ tăng trưởng cao, đầy tiềm năng của rau quả Việt Nam.
Chỉ tính riêng tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 296,3 triệu USD, tăng 21,1% so với tháng trước và tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tới 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau hoa quả của Việt Nam. Với nhu cầu tăng tiêu thụ trái cây nhiệt đới vào dịp Tết Nguyên đán, vì vậy Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong tháng 1/2018.
Theo dự báo của FAO, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc đối với rau quả có xu hướng tăng trong giai đoạn 2017-2020. “Đây là cơ hội lớn để DN xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đẩy mạnh kim ngạch sang thị trường này trong thời gian tới”, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) nhìn nhận như vậy trong một bản tin phát hành cách đây ít ngày.
Nhưng không chỉ có Trung Quốc, rau quả Việt Nam còn được xuất khẩu tới một số thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Trong đó, đáng chú ý là thị trường Nhật Bản. Trong tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Nhật Bản đạt 10,6 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng trước nhưng tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ tăng trưởng hàng rau quả sang Nhật Bản cao, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vẫn còn thấp so với nhu cầu tiêu thụ tại Nhật Bản cũng để lại cơ hội rất lớn cho rau quả Việt Nam tiếp tục mở rộng thị phần tại thị trường này.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả sang Nhật Bản, các DN xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ Nhật như yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, hay trong quy trình sản xuất DN phải có vùng nguyên liệu được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm… Nhưng nếu đáp ứng được những yêu cầu này từ phía Nhật Bản, thì hàng rau quả của Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản mà còn sang nhiều quốc gia khó tính khác.
Triển vọng tăng trưởng cho ngành rau quả Việt Nam còn rất tươi sáng, nhưng cũng đòi hỏi nỗ lực và chuyển biến xuyên suốt từ người nông dân, thương lái, DN xuất khẩu đến các cơ quan quản lý, hỗ trợ khác. Tuy nhiên, việc phân bổ thành tựu thu được chưa đồng đều đang đặt ra thách thức rất lớn để có thể cải thiện được chất lượng và an toàn thực phẩm, quy trình kiểm soát hiện nay.
Những nông dân như ông Xuân, mặc dù chịu nhiều rủi ro về thiên tai, sâu bệnh, giá cả sản phẩm… nhưng khi bán sản phẩm chỉ thu về từ 40-60% giá trị đến tay người tiêu dùng. Khâu trung gian đang kiếm lời lớn hơn trong khi chịu ít rủi ro hơn. Thậm chí, vẫn tồn tại hiện trạng tư thương ép giá người nông dân mỗi vụ thu hoạch. Với mỗi bản tin về giá cả thị trường nông sản được phát đi, thường người đọc đều có thể chắt lọc những thông tin đó.
Như ngay trong tháng 1 năm nay, thông tin từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, tại Lâm Đồng giá nhiều loại rau quả đang giảm do điều kiện thời tiết thuận lợi khiến nguồn cung tăng, mức giảm từ 500-2.000 đồng/kg, tùy loại. Hay tại đồng bằng sông Cửu Long, giá cam sành tại nhiều nhà vườn liên tục giảm do cung vượt quá cầu nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, mức giá hiện tại chỉ 5.000 đồng/kg…
Để người nông dân có vị trí xứng đáng trong chuỗi sản xuất kinh doanh rau quả, có thu nhập tốt hơn và ít chịu rủi ro hơn, cần một thị trường minh bạch và liên kết mạnh mẽ. Đây là điều mà không ít nước nông nghiệp phát triển trên thế giới đã làm. Ngay ở thời điểm này, Thái Lan dự kiến xây dựng một dự án mới có tên Hành lang trái cây phía Đông (EFC), trở thành sàn đấu giá trái cây đầu tiên tại Thái Lan, với vốn đầu tư 1,58 tỷ Baht, nhằm giúp nông dân đàm phán được giá tốt hơn (do hiện nay họ không có quyền mặc cả với thương lái).
Đó cũng là điều những nông dân như ông Xuân đang rất cần, để không thấy mình “cô đơn” trong vòng xoáy thị trường và chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi khi muốn cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình, nhất là cho rau quả xuất khẩu.
Anh Quân
thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã