Đó là những nội dung được các nhà chuyên môn đem ra mổ xẻ tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển cây có múi bền vững” vừa được tổ chức tại Tiền Giang vào sáng 16/6.
Thực hiện quy hoạch: Căn bệnh khó trị
Ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái ở Nam bộ nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng có bước tăng trưởng khá nhanh, cả về diện tích, cơ cấu cây trồng và sản lượng, trong đó, cây có múi có một đóng góp rất quan trọng vào sự phát triền này.
Theo báo cáo của Cục trồng trọt, khu vực Nam bộ hiện có trên 86.000 héc ta diện tích chuyên canh cây có múi, chiếm trên 18,4% diện tích cây ăn quả của vùng với sản lượng trái hàng năm đạt trên 985.000 tấn, chiếm trên 57% sản lượng trái cây của vùng.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn tham dự diễn đàn, dù diện tích và sản lượng cây có múi đã tăng khá mạnh trong những năm gần đây nhưng chủ yếu do tự phát, chạy đua sản xuất theo phong trào. Ông Lê Thanh Tùng cho biết: “Hiện chúng ta chưa có một vùng chuyên canh cây ăn quả nào đúng nghĩa hết. Chẳng hạn như vùng chuyên canh sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, cam sành hay bưởi năm roi..., có rất nhiều nhưng được trồng xen lẫn giữa cây này với cây khác rất nhiều”.
Ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thì cho rằng, ở mỗi địa phương đều đã có quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản cho riêng mình nhưng việc triển khai thực hiện còn rất đơn điệu mà nguyên nhân thì có rất nhiều, trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ chính sách hỗ trợ người nông dân.
“Nông dân ĐBSCL có trình độ và tập quán canh tác cây ăn trái rất tốt, đã có những chính sách quy hoạch cây ăn trái đặc sản chung của vùng và từng địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập nên quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún… đó là những nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất cây ăn trái nói chung và cây có múi nói riêng ở Nam bộ thiếu ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro”- ông Tùng khẳng định.
Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn đặt vấn đề: “Chẳng lẽ việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung đã trở thành căn bệnh bất trị?” và họ yêu cầu các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa về chính sách đầu tư, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất cây ăn trái theo hướng tập trung, hàng hóa lớn.
Tạo thương hiệu cho sản phẩm Gap
Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh: “Trong năm 2011, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam lần đầu tiên đạt đến con số trên 629 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 3 lần so với con số 200 triệu đô la Mỹ đạt được vào năm 2000. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có số liệu nào thống kê rau xuất khẩu được bao nhiêu, trái cây xuất khẩu được bao nhiêu cũng như thị trường nào tiêu thụ loại trái cây nào nhiều”.
Theo ông Tùng, chính vì không có số liệu thống kê nên chúng ta rất khó xác định loại cây ăn trái nào được tiêu thụ mạnh để có chính sách phát triển mà chủ yếu phát triển do tự phát của người nông dân nên tình trạng được mùa, rớt giá thường xuyên xảy ra.
Bà Võ Mai, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng: “Dù Nhà nước có đưa ra được những công trình, dự án hoành tráng nào đi chăng nữa nhưng đầu ra không có thì chúng ta cũng không được gì. Chuỗi cung ứng hiện nay của chúng ta là chuỗi cung ứng hoàn toàn lạc hậu, nghĩa là người sản xuất không biết gì về thị trường tiêu thụ mà chủ yếu họ bán qua thương lái. Thương lái mua sản phẩm của nông dân (cả sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Gap (sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) và bình thường) rồi về trộn chung với nhau, rất là lộn xộn nên giá trị thấp”.
Theo bà Mai, để phân biệt được sản phẩm nào sản xuất theo Gap sản phẩm nào sản xuất bình thường, từ đó giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn phù hợp với túi tiền với nhu cầu của họ thì nhất thiết phải xây dựng một thương hiệu cho sản phẩm Gap (được sử dụng chung cho cả nước)”.
Đồng tình với bà Mai, ông Châu cũng thì cho rằng: “Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sản xuất theo Gap sẽ giúp cho người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm nào an toàn sản phẩm nào sản xuất bình thường. Đây cũng là cơ sơ để giúp sản phẩm của người nông dân làm ra có giá trị cao hơn”.
TBKTSG Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã