Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám tại hội nghị tổng kết Đề án thí điểm giai đoạn 2015 – 2017 tại TP.HCM ngày 8.9 ngay trước 1 ngày tổ chức xuất khẩu lô hàng gà đầu tiên sang Nhật Bản diễn ra vào sáng nay tại Long An.
Tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung là một trong những khó khăn xây dựng vùng ATDB. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam đến năm 2020 xác định chăn nuôi sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 42% trong toàn ngành nông nghiệp. An toàn dịch bệnh (ATDB) và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được đảm bảo, các loại bệnh nguy hiểm đến động vật được kiểm soát.
Đây là cơ sở để Bộ NNPTNT phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với gà và hướng tới xuất khẩu theo Quyết định số 440 năm 2015, triển khai tại các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh (gọi tắt là Đề án 440).
Hiểu một cách ngắn gọn, Đề án sẽ chứng nhận trên 3 cấp độ: cơ sở chăn nuôi ATDB, xã ATDB và vùng ATDB. Theo mục tiêu đến cuối năm 2017, chưa tỉnh nào đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, đối với cơ sở, đến cuối năm 2017, 90% cơ sở chăn nuôi tập trung được công nhận ATDB. Tính trung bình, cả 5 tỉnh chỉ mới đạt 57,6%.
Việc tim phòng cho gia cầm ở cơ sở chăn nuôi trước hết để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch. Ảnh Nguyên Vỹ
Với mục tiêu xây dựng xã ATDB, mục tiêu đến cuối năm nay là đạt 100%. Bình Dương đạt tỷ lệ cao nhất 42,9% (39/81 xã). Bà Rịa Vũng Tàu chỉ có 1/83 xã có chăn nuôi gà được công nhận ATDB (chiếm 1,2%). Thấp nhất là Bình Phước không có xã nào trong 111 xã có chăn nuôi gà được công nhận.
Đối với vùng ATDB, mục tiêu đến cuối 2017 sẽ hoàn thành khống chế bệnh cúm gia cầm và newcastle ở quy mô nông hộ và trang trại tại 5 tỉnh, hoàn tất xây dựng hồ sơ về vùng ATDB. Nhưng hiện chỉ mới có Đồng Nai có 2 huyện Trảng Bom, Thống Nhất được bộ công nhận vùng ATDB.
Việc xuất khẩu gà thành công ở công ty Koyo & Unitek mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khác trong nước. Ảnh Nguyên Vỹ
Nguyên nhân chung được đại diện chi cục thú các tỉnh nêu ra là tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung nên nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhiều cơ sở năng lực còn yếu, chưa nhận thức được sự cần thiết đăng ký cơ sở ATDB. Khâu triển khai còn thiếu nguồn vaccin cho động vật. Chi phí kiểm dịch còn cao, chưa kích thích được số đông tham gia, nhất là khi giá bán chưa ổn định.
Đánh giá tổng quan, Thứ trưởng Tám cho rằng mục tiêu ban đầu đề ra quá lớn, chưa lường hết các khó khăn. Khâu triển khai chưa kết nối tốt với doanh nghiệp.
“Tuy chưa đạt, nhưng nỗ lực suốt thời gian qua của các tỉnh đã ghi nhận những kết quả đáng kể, khi bắt đầu khống chế dịch bệnh và tiếp tục nỗ lực xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt gà, trứng gà xuất khẩu”, ông Tám nói.
Điển hình là việc Cục Thú y, Chi cục chăn nuôi thú y Đồng Nai đã hỗ trợ Công ty TNHH Koyu & Unitek xuất khẩu thành công thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản.
Thứ trưởng Tám đánh giá nỗ lực xây dựng Đề án thí điểm đã ghi nhận những kết quả đáng đáng kể. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Trong năm 2017, đã thêm nhiều doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị Cục hỗ trợ, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng”.
Về xuất khẩu trứng gà tươi thương phẩm sang Hàn Quốc, có Công ty Cổ phần Ba Huân, Công ty cổ phần DTK, Công ty TNHH Thành Đức. Với thịt gà, thịt lợn chế biến sang Nhật Bản, Hàn Quốc, có Công ty CP Việt Nam, Tập đoàn DABACO, Công ty CJ cầu Tre…
“Vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp phải hoàn thành chuỗi của mình, hạ thấp giá thành và có đối tác tại nước ngoài để thuận lợi hơn”, ông Đông chia sẻ.
Được biết, Cục Thú y đã và đang tiếp tục đàm phán với Cục Thú y một số nước khác. Hiện Cục đã đàm phán thành công với Cục Thú y Myanmar về yêu cầu vệ sinh thú y đối với việc xuất khẩu trứng gà giống từ Việt Nam. Dự kiến vào đầu tháng 10.2017 phía Myanmar sẽ tổ chức kiểm tra chuỗi sản xuất trứng gà giống của doanh nghiệp, nếu bảo đảm yêu cầu sẽ cho phép nhập khẩu.
Thời gian tới, Cục Thú y sẽ phối hợp tỉnh Đồng Nai duy trì 2 vùng ATDB ở 2 huyện Trảng Bom, Thống Nhất; triển khai mở rộng thêm 9 huyện thuộc 4 tỉnh ATDB gồm: 2 huyện ở Đồng Nai, 3 huyện ở Bình Dương, 3 huyện ở Bà Rịa Vũng Tàu, 1 huyện ở Tây Ninh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã