Học tập đạo đức HCM

Sau loạt bài Nông thôn mới - những bất cập và hệ lụy: Sẽ sửa đổi toàn bộ tiêu chí

Thứ ba - 21/06/2016 12:59
Trao đổi với Tiền Phong, liên quan đến loạt bài Nông thôn mới (NTM)- những bất cập và hệ luỵ, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối T.Ư về NTM cho biết, tới đây sẽ sửa đổi toàn bộ 19 tiêu chí, trong đó sẽ “mềm hóa” tiêu chí cơ sở hạ tầng. Xã còn nợ đọng, không có nguồn sẽ không được công nhận NTM.

Theo ông Tiến, nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong những tồn tại lớn nhất trong chương trình NTM giai đoạn 1 (2011 - 2015), có thể làm cho chương trình này không thực sự bền vững, cần có giải pháp xử lý.

Hiện con số nợ đọng còn vênh giữa các cơ quan chức năng. Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối T.Ư về NTM từ 57/63 địa phương số nợ đọng là gần 13.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước đưa ra con số khoảng 16.000 tỷ đồng, nhưng họ cũng nói là chưa phải là con số cuối cùng, tiếp tục rà soát. Hiện chúng tôi đang yêu cầu các địa phương rà lại và Ban Chỉ đạo sẽ làm việc với Kiểm toán khớp lại, thống nhất con số.

Thưa ông, vì sao nợ đọng NTM lại lớn như vậy, có phải vì sức ép chỉ tiêu đạt 20% xã NTM trong giai đoạn 1?

Trong giai đoạn 1, chúng ta đặt mục tiêu 20% số xã NTM, đi kèm là nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó. Lúc đó, dự kiến ngân sách Nhà nước (cả T.Ư và địa phương) cơ cấu là khoảng 40% (trực tiếp lẫn gián tiếp), tín dụng 30%, doanh nghiệp 20% và 10% là dân đóng góp.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có khó khăn của nền kinh tế, nên giai đoạn qua, các nguồn lực huy động được rất thấp. Hai nguồn lực quan trọng đều thấp, là ngân sách T.Ư cả 5 năm chỉ 16.400 tỷ đồng (khoảng 2% trong tổng dự kiến nhu cầu là 852.000 tỷ đồng); từ doanh nghiệp chỉ 5% (trong khi dự kiến là 20%).

Cuối giai đoạn 1 (2014-2015), nhiều địa phương cố gắng để đạt theo mục tiêu. Họ nghĩ đơn giản rằng, T.Ư đưa ra là 20%, thì tỉnh phải 20%, huyện cũng phải 20% trong khi chưa đánh giá được nguồn lực huy động được trong 5 năm đó. Mặt khác, mỗi địa phương xuất phát điểm và nhu cầu khác nhau. TPHCM, Hà Nội phải khác với khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn… Rõ ràng, mục tiêu đặt ra phải cố gắng đạt được, nhưng trong đó cũng khó tránh bệnh chạy theo thành tích.

 

Sau loạt bài Nông thôn mới - những bất cập và hệ lụy: Sẽ sửa đổi toàn bộ tiêu chí - ảnh 1
 Ông Nguyễn Minh Tiến.

 

Đặt mục tiêu là một nhẽ, nhưng liệu có phải do bệnh hoành tráng và “thợ vẽ” của lãnh đạo các địa phương, nên nợ đọng mới đội lên?

Đúng là trong giai đoạn 1, khi làm đề án, quy hoạch, tâm lý chung là rất nhiều xã vẽ ra, vì nghĩ công trình nhà nước, kiểu gì cũng được đầu tư. Có những xã vẽ đề án tới 300-400, thậm chí 500 tỷ đồng. Trong chừng mực, tâm lý cán bộ xã là đã làm phải to, hoành tráng nên mới đội chi phí NTM lên.

Một số nơi, cũng do áp lực phải hoàn thành, bên cạnh nợ đọng, họ cũng huy động sức dân quá mức, dù không phải phổ biến. Chẳng hạn, làm đường, anh chỉ huy động của dân 10%. Nếu anh làm trong 2-3 năm, có thể giãn ra, không thu của hộ nghèo, nhưng vì “làm bằng được”, nên huy động quá mức.

Hay một số địa phương ở  phía Bắc như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình… tỉnh có chủ trương trong 2 năm sẽ bê tông hóa giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương để hạ tầng đồng bộ. Thế nên, tỉnh đứng ra nợ doanh nghiệp xi măng làm “một thể” và cam kết trả sau…

Cũng có những nơi, huyện mời doanh nghiệp vào đầu tư làm trước, dẫn tới đội giá, không kiểm soát được. Mặt khác, nhiều xã cũng trông chờ vào tiền bán đất như ở Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc... nhưng thủ tục bán đất phức tạp nên chưa bán được, hoặc giá đất tụt giảm… không như dự kiến.

Thậm chí, cũng có những nơi, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hứa hỗ trợ, nhưng khi triển khai, họ không thực hiện, điển hình như ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) - nơi nợ đọng gần 400 tỷ đồng.

Vậy hướng xử lý nợ đọng ra sao, trách nhiệm thuộc về ai?

Đầu tiên phải phân định rõ từng trường hợp, nợ do tỉnh, huyện hay xã. Mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu chúng tôi đánh giá kỹ hơn, đưa ra giải pháp với từng trường hợp cụ thể; đồng thời sẽ trình Quốc hội một nghị quyết về vấn đề nợ đọng xây dựng NTM.

Trong tháng 6 này, Ban chỉ đạo T.Ư đã thành lập 3 đoàn công tác, do ba thứ trưởng của các Bộ NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính, tập trung vào các tỉnh nợ đọng nhiều nhất ở 3 vùng chính là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc. Sau đó, trên cơ sở đánh giá tình hình cụ thể sẽ đề xuất giải pháp, trong đó sẽ làm rõ trách nhiệm từng địa phương.

Về phương án, có thể sử dụng phần ngân sách T.Ư hỗ trợ cho chương trình NTM giai đoạn tới để ưu tiên trả trước cho nợ đọng. Còn lại, có thể tạo điều kiện cho những địa phương như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… xử lý các đất dôi dư, xen kẹt để trả nợ.

Sau loạt bài Nông thôn mới - những bất cập và hệ lụy: Sẽ sửa đổi toàn bộ tiêu chí - ảnh 2
Trong giai đoạn 2, các tiêu chí cơ sở hạ tầng sẽ được “mềm hoá”, linh hoạt với từng khu vực (Trong ảnh, xã NTM Hải Dường, Hải Hậu, Nam Định).

 

Làm thế nào để tránh “vết xe đổ” về nợ đọng như thời gian qua?

Chúng ta phải có biện pháp chấn chỉnh ngay từ đầu, khoanh và xử lý nợ cũ, kiên quyết không để tình trạng nợ đọng mới tiếp tục xảy ra. Lúc đó sẽ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, từ tỉnh xuống xã, ông nào để xảy ra nợ đọng sai quy định phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, sẽ xem xét, không công nhận xã, huyện NTM, nếu để xảy ra nợ đọng nhưng không có nguồn.

Về cơ cấu vốn, trong giai đoạn 2 sẽ linh hoạt hơn, trong đó, phần ngân sách nhà nước giảm, cơ cấu khoảng 30-35%, phần doanh nghiệp cố gắng 12-15%, người dân đóng góp trên dưới 10%, tín dụng tăng lên 42-45%. Trong giai đoạn 2, sẽ ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho các xã khó khăn, mới đạt dưới 5 tiêu chí, tránh khoảng cách, chênh lệch quá lớn.

 

Như ông nói, bộ tiêu chí cũ bộc lộ nhiều bất cập, vậy sẽ điều chỉnh thế nào?

Trong 19 tiêu chí hiện nay, các địa phương kêu nhiều nhất là các tiêu chí về hạ tầng. Hiện chúng tôi đã có bản sửa đổi lần đầu về bộ 19 tiêu chí cấp xã mới, thay thế hoàn toàn bộ cũ trong giai đoạn hai. Bộ mới này, về bố cục vẫn giữ nguyên 19 tiêu chí, nhưng các chỉ tiêu trong từng tiêu chí sẽ thay đổi.

Đặc biệt, tất cả tiêu chí về hạ tầng sẽ được “mềm hóa”, tránh tình trạng áp dụng “cào bằng” cả nước, hiệu quả kém. Chẳng hạn, đường liên thôn, thay vì 3,5 m, các bản vài chục hộ ở Cao Bằng có thể chỉ cần đường 1 m, xe máy đi được là đạt; hay Hà Nội, Hưng Yên đường vào những vùng chuyên cây cảnh có thể rộng 5m… Có nơi không cần xây nhà văn hóa, có thể dùng trụ sở ấp, đình làng, nhà rông.

Tương tự, những chỉ tiêu về trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… cũng linh hoạt, có những yêu cầu đạt chuẩn phù hợp từng địa phương. Còn các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập bình quân, các xã vẫn phải tuân thủ theo điều kiện mà T.Ư quy định.

Trong giai đoạn tới, ngoài “siết” vấn đề nợ đọng, ông lo ngại vấn đề gì nhất khi triển khai NTM ở các địa phương?

Hiện có 2 tiêu chí mà các địa phương đạt thấp và khó là môi trường và thu nhập. Ngay những xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, việc xem xét tiêu chí về môi trường vẫn còn xuê xoa.

Môi trường là một tiêu chí rất khó của NTM, có tiền chưa chắc đã làm được, vì nó liên quan đến thay đổi nhận thức của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu người dân không chủ động phân loại rác, chi phí xử lý rất tốn kém. Hoặc doanh nghiệp sản xuất không đảm bảo về môi trường cũng gây thiệt hại và chi phí xử lý rất lớn…

Trong khi đó, về thu nhập, hiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, từ hạn hán, xâm nhập mặn, an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn 2, sẽ tập trung vấn đề sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từng huyện, tỉnh cần hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tránh việc trồng, nuôi rồi không biết bán ở đâu.

Ngoài ra, cần có chính sách sát thực hơn để thu hút doanh nghiệp về vùng nông thôn, nhất là các doanh nghiệp dệt may, chế biến nông lâm thủy sản… để giải quyết việc làm. Điều này, giúp thanh niên, lao động trẻ có điều tăng thu nhập, gần gia đình, hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

10 địa phương nợ đọng NTM lớn nhất cả nước

 

Theo Văn phòng Điều phối T.Ư về NTM, có 10 tỉnh phía Bắc chiếm khoảng 77% tổng số nợ đọng NTM: Bắc Ninh nợ trên 1.630 tỷ đồng, Thanh Hóa gần 1.550  tỷ đồng, Thái Bình trên 1.230 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 920 tỷ đồng, Nghệ An gần 890 tỷ đồng, Ninh Bình 770 tỷ đồng, Hà Nam trên 750 tỷ đồng, Thái Nguyên gần 630 tỷ đồng, Hà Nội  gần 550 tỷ đồng, Hưng Yên trên 470 tỷ đồng… Nguyên nhân chủ yếu do tỉnh đứng ra vay làm hạ tầng; các xã bán đất nhưng không bù vào được.

Theo Phạm Anh/tienphong.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập273
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm267
  • Hôm nay37,740
  • Tháng hiện tại943,842
  • Tổng lượt truy cập91,007,235
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây