Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng cho biết, năm 2011, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc quy hoạch và lập đề án XDNTM. Phấn đấu đến năm 2013, cơ bản 20 xã điểm của tỉnh hoàn thành chương trình XDNTM; đến năm 2015, 50% số xã sẽ hoàn thành và toàn tỉnh sẽ hoàn thành chương trình XDNTM vào năm 2020. Tại hội nghị này, Vĩnh Phúc mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các tỉnh, thành phố để tiếp tục có những bước đi vững chắc, sớm đưa chương trình XDNTM về đích đúng kế hoạch. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình XDNTM, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành XDNTM đã được hầu hết các địa phương trong vùng quan tâm triển khai, cụ thể là tổ chức được hơn 20.000 hội nghị, dựng gần 80.000 pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu tuyên truyền về XDNTM; tổ chức biên tập và phát sóng hàng chục ngàn tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng… Văn phòng điều phối Trung ương và các địa phương cũng mở gần 700 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 50.000 lượt cán bộ cấp huyện, xã và đã hình thành đội ngũ tiểu giáo viên ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Về công tác quy hoạch, đến nay, đã có 64% số xã phê duyệt xong quy hoạch chung; 42% xã phê duyệt xong đề án XDNTM. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này, hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo đó, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn ở các xã đạt khoảng 20.090 tỷ đồng, trong đó, xây dựng được 12.000km giao thông nông thôn; kiên cố hóa nạo vét giao thông nông thôn 7.000km kênh mương; xây dựng, nâng cấp hơn 500 công trình nước sạch tập trung, 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải vệ sinh; sửa chữa, nâng cấp 480 trường học các cấp, 39 trụ sở xã, 516 nhà văn hóa thôn, 50 trạm y tế xã, 28 chợ và hàng trăm công trình cấp thiết khác… Về phát triển sản xuất, cả nước đã xây dựng được gần 5.000 mô hình kinh tế, góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ 20 - 25%. Về văn hóa, xã hội, môi trường, đã có 35-40% số trạm y tế ở khu vực phía Bắc đạt chuẩn quốc gia; 70% số thôn, xóm được công nhận làng văn hóa, 40% số xã thành lập tổ thu gom rác thải. Ngoài các xã điểm, các tỉnh phía Bắc đã có thêm 32 xã đạt từ 16-18 tiêu chí; 950 xã vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Phát biểu tham luận tại hội nghị, lãnh đạo một số tỉnh thành đã chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo của địa phương mình trong thực hiện các mục tiêu cụ thể; đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình XDNTM. Đa số các địa phương cho rằng, khó khăn nhất trong quá trình XDNTM là việc huy động nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp, tín dụng, nội lực đóng góp từ người dân… Ở các địa phương khó khăn, một số tiêu chí nếu không được điều chỉnh rất khó có khả năng hoàn thành. Nhất trí với ý kiến đề nghị của các tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo Trung ương đang trình Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí về chợ nông thôn, thu nhập, cơ cấu lao động, giáo dục và y tế. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình XDNTM ở các tỉnh phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát biểu dương, ghi nhận kết quả các tỉnh phía Bắc đạt được trong 2 năm triển khai thực hiện chương trình, đồng thời chỉ rõ những mặt còn hạn chế cần khắc phục và yêu cầu các địa phương đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thu hút sự tham gia của các đoàn thể và quần chúng nhân dân. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các tỉnh, thành tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho dân cư nông thôn. Đối với các tiêu chí khó thực hiện, cần tập trung chỉ đạo, đúc rút kinh nghiệm từ một số địa phương đã thành công để có bước đi phù hợp với tình hình thực tế. Trong quá trình thực hiện, cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện cho một số xã về trước làm hình mẫu để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.
Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tính đến nay đã có 2.436/5.855 xã phê duyệt xong đề án XDNTM, đạt 42%. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt 51%, khu vực Bắc Trung Bộ 43%, vùng miền núi phía Bắc 35%. Một điểm đáng chú ý là sau 2 năm triển khai Chương trình, các địa phương trong cả nước đã xây dựng được gần 5.000 mô hình sản xuất (nâng cao giá trị thu nhập từ 20-25%), nhiều tỉnh phát động phong trào dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng… Duy Phong - Lưu Trường
| ||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã