Tiềm năng đa dạng
Các mặt hàng nông - thủy sản mỗi năm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng trên 600 triệu USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chủ yếu là: thủy sản, gạo, nấm rơm, rau củ quả...
Trong sản xuất nông nghiệp, lúa là cây chủ lực của Sóc Trăng, với diện tích gieo trồng hàng năm trên 350.000 ha, sản lượng đạt trên 2 triệu tấn/năm. Trong đó, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại chiếm 50,6%, tương đương 177.088 ha.
Lúa là cây chủ lực của Sóc Trăng, với diện tích gieo trồng hàng năm trên 350.000 ha. Trong ảnh: Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Sóc Trăng. |
Mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang được mở rộng, vụ đông xuân năm 2016-2017 và hè thu 2017 thực hiện tổng cộng 528 cánh đồng trên diện tích 52.534 ha, chiếm 15% diện tích gieo trồng. Ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với nông dân. Đã có trên 60 doanh nghiệp, đại lý thu mua tham gia ký kết với nông dân tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích trên 71.968 ha, chiếm 20,6% diện tích canh tác.
Một số công ty, doanh nghiệp bao tiêu với diện tích lớn và có hợp đồng với nông dân ngay từ đầu vụ như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Vạn Hưng Điền, Công ty Chế biến lương thực và Xuất nhập khẩu Cần Thơ, Công ty ADC, Công ty Nông sản xanh, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Chi Mai, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang… Thông qua các mô hình liên kết tiêu thụ, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân yên tâm sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, chọn giống chất lượng, xuống giống đồng loạt, đầu tư đồng bộ hạ tầng, từ đó giảm chi phí đầu vào.
Bên cạnh lúa, Sóc Trăng còn có diện tích trồng cây ăn trái khá lớn, với các loại cây có giá trị cao là: chuối (10.987 ha), cây có múi (cam, bưởi 8.273 ha), nhãn (3.802 ha), xoài (1.778 ha)... Diện tích vườn cây ăn trái ở Sóc Trăng đang tăng dần qua từng năm và từng bước hình thành vườn cây ăn trái tập trung với trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Về rau màu, hành tím là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, được trồng nhiều ở Vĩnh Châu với diện tích 6.600 ha, năng suất ước đạt 15 tấn/ha; sản lượng đạt 99.574 tấn. Bên cạnh thị trường trong nước, củ hành tím Sóc Trăng đã được xuất khẩu sang một số quốc gia như: Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia...
Cùng với lúa gạo, thủy sản là lĩnh vực mà tỉnh Sóc Trăng có nhiều tiềm năng trong nuôi trồng và chế biến xuất khẩu do vị trí của tỉnh nằm ở vùng hạ lưu sông Hậu, có nhiều bãi bồi ven biển cùng hệ sinh thái đặc trưng: ngọt, lợ, mặn. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Sóc Trăng phát triển nguồn nguyên liệu thủy sản cung cấp cho các nhà máy chế biến tại địa phương và các tỉnh, thành phố trong vùng. Trong năm 2017, diện tích nuôi thuỷ sản của tỉnh Sóc Trăng đạt 74.141 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 54.361 ha. Tổng sản lượng thủy - hải sản đạt 260.115 tấn.
Đặc biệt, Sóc Trăng là một trong những địa phương có quy mô nuôi tôm công nghiệp lớn nhất nước với sản lượng trên 110.000 tấn/năm. Tỉnh đã triển khai thực hiện một số mô hình có hiệu quả cao như: mô hình tôm - lúa (huyện Mỹ Xuyên), mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn (thị xã Vĩnh Châu)... Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đang triển khai dự án nuôi siêu thâm canh trong nhà kín như ở huyện Trần Đề.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn bò của tỉnh Sóc Trăng đang phát triển nhanh với số lượng nuôi là 49.123 con, trong đó bò sữa đạt 9.571 con, sản lượng sữa đạt 17.323 tấn. Sữa được tiêu thụ thông qua các hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với đầu ra ổn định. Tỉnh đang xây dựng Dự án Phát triển đàn bò thịt giai đoạn 2016-2020 theo hướng xã hội hóa, đồng thời chuyển một số diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi bò.
Ưu tiên thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương đạt hiệu quả cao và bền vững, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và tái cơ cấu ở lĩnh vực đầu tư thủy lợi phục vụ sản xuất.
Đẩy nhanh triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các sản phẩm chủ yếu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế địa phương gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy hoạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch.
“Tỉnh Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời. Đây là các dự án mà tỉnh có lợi thế quỹ đất khá lớn, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng kêu gọi đầu tư vào khâu giống, phát triển nguồn nguyên liệu, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông - thủy sản của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm“, ông Lương Minh Quyết nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã