Theo Quyết định số 346/QĐ-TTg, ngày 15/3/2010 về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đến năm 2020 cả nước có 211 cảng cá, bến cá. Đến nay đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng được 83 cảng cá từ nhiều nguồn vốn (ODA, Biển Đông - hải đảo, ngân sách nhà nước…); đáp ứng cho khoảng 82.000 tàu cá cập cảng, lượng hàng thủy sản qua cảng đạt khoảng 1,6 triệu tấn, trong đó: Tuyến bờ đã xây dựng được 65 cảng, bến cá; trong đó: có 14 cảng cá loại I và 51 cảng cá loại II và bến cá. Tuyến đảo đã xây dựng được 18 cảng cá; trong đó: có 1 cảng cá loại I (Cát Bà - Hải Phòng) và 17 cảng cá loại II (từ Cô Tô - Quảng Ninh đến Thổ Chu - Kiên Giang).
Các địa phương đã tập trung nâng cấp, mở rộng các cảng cá để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá và dịch vụ hậu cần cho tàu cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đến năm 2020 cả nước có 131 khu neo đậu tránh trú bão (trong đó: 17 khu neo đậu cấp vùng và 114 khu neo đậu cấp tỉnh).
83 cảng cá đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng - Ảnh: Quang Quyết
Đến nay, đã và đang đầu tư xây dựng được 65 khu neo đậu tránh trú bão; đã hoàn thành đưa vào sử dụng và công bố theo quy định tại Nghị định 80/2012/NĐ-CP ngày 8/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đối với 35 khu, với sức chứa 20.776 tàu. Ngoài ra còn 6 khu neo đậu đã hoàn thành các hạng mục chính có thể đưa vào sử dụng với sức chứa 10.000 tàu; hiện nay đang thực hiện thủ tục công bố theo quy định. Tổng cộng có 41 khu neo đậu tránh trú bão với công suất 30.776 tàu neo đậu theo yêu cầu.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu đang gặp một số thách thức sau:
- Một số cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa nhận được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, do vậy năng lực cảng cá không phù hợp với quy mô của quy hoạch theo Quyết định số 346/QĐ-TTg và Quyết định số 1349/QĐ-TTg và nhu cầu phát triển tàu cá của các địa phương hiện nay như: Cảng cá Cái Rồng - Quảng Ninh; Cảng cá Cát Bà, Ngọc Hải - Hải Phòng; Cảng cá Cửa Hội, Lạch Quèn, Lạch Vạn - Nghệ An; Cảng cá Đá Bạc, KNĐTTB Ninh Hải - Khánh Hòa; Cảng cá Đông Hải, Cà Ná, bến cá Mỹ Tân - Ninh Thuận; Cảng cá Tân Phước, Phước Hiệp, Lò Vội, Bến Lội - Bà Rịa - Vũng Tàu...;
- Một số cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão không còn phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương như: bến cá Cửa Ông, cảng cá Hòn Gai - Quảng Ninh; Cảng cá Thụy Tân, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Lân kết hợp với cảng cá Cửa Lân - Thái Bình; Cảng cá Hạ Long, Bến SEASAFICO Ngô Quyền - Hải Phòng…
- Đầu tư một số dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chậm được bố trí vốn, tiến độ chậm. Cơ chế quản lý sau đầu tư còn có những bất cập.
- Tình trạng bị quá tải, xuống cấp xảy ra ở các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Việc đầu tư cở sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão không đồng bộ.
- Các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão hầu hết chưa xây dựng quy trình bảo trì theo Nghị định 114/2010/NĐ-CP ngày 6/12/2010 của Chính phủ. Quy chế quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa được quan tâm thực hiện. Công tác phân cấp quản lý ở một số tỉnh chưa có sự thống nhất.
Từ những vấn đề nêu trên, cần thiết phải tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để phù hợp với nhu cầu thực tế khách quan. Cần có một số giải pháp:
1. Tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại tất cả các cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão đã được phê quyệt theo quy hoạch cũ.
2. Làm rõ những tồn tại, bất cập trong các nội dung, chỉ tiêu quy hoạch. Những vấn đề phát sinh thực tế cần phải điều chỉnh, xây dựng các luận cứ khoa học, thực tiễn đối với các nội dung thay đổi, bổ sung.
3. Các địa phương có địa điểm nằm trong quy hoạch cũ, cần tiến hành rà soát chi tiết, đề xuất loại bỏ những địa điểm không còn phù hợp, bổ sung các cảng cá, bến cá, khu neo đậu có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Đảm bảo ứng phó với yếu tố biến đổi khí hậu, lũ lụt do việc xả lũ của các công trình thủy lợi và thủy điện trong mùa mưa, bão.
4. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung tiêu chí khu neo đậu tránh trú bão; cập nhật, hoàn chỉnh, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.
5. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão từ Trung ương đến địa phương; quản lý đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.
6. Có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, theo hướng có các điều khoản hỗ trợ tốt để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
7. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân, tổ chức và cá nhân có liên quan về nội quy, quy chế quản lý cảng cá; phương pháp, cách thức neo đậu tàu cá tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Bộ NN&PTNT sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê quyệt điều chỉnh quy hoạch thay thế Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 và Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9/8/2011 để phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã