Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) thời gian qua vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ. Phong trào xây dựng NTM đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực, như hiến đất làm đường giao thông, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà ở và khu dân cư... Từ đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bộ mặt NTM ở nhiều xã đã có sự thay đổi rõ nét.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn Nguyễn Văn Khang cho biết, đến nay, tất cả chín xã trong huyện đã được phê duyệt đề án xây dựng NTM gắn đề án với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua thống kê ở chín xã nêu trên, có hai xã là Hợp Thịnh và Mông Hóa đạt 13 tiêu chí, năm xã đạt từ sáu đến mười tiêu chí, còn lại hai xã đạt năm tiêu chí. Ðể chủ động triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án cũng như huy động sức dân để tham gia xây dựng NTM. Riêng năm 2014, nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đạt hơn 105 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình hơn 6,4 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác hơn 48 tỷ đồng; vốn tín dụng 47,6 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác là 570,8 triệu đồng; vốn huy động đóng góp của nhân dân (tiền mặt, ngày công, hiến đất) là hơn 2,5 tỷ đồng. Các ban, ngành, đoàn thể huyện Kỳ Sơn thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép nội dung về xây dựng NTM với các hình thức đa dạng, phong phú tại các cuộc họp, hội nghị, trên đài truyền thanh xã... nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Huyện cũng tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, tư tưởng trông chờ ỷ lại. Các cấp ủy cũng xác định rõ mục tiêu của xây dựng NTM là vì nhân dân, do người nông dân làm chủ trên cơ sở Ðảng lãnh đạo và Nhà nước hỗ trợ. Do đó, việc huy động các nguồn lực xây dựng NTM được cấp ủy chỉ đạo bám sát kế hoạch, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân chủ bàn bạc với nhân dân nhằm khơi dậy tính tự giác, tích cực của mỗi người dân trong hưởng ứng và tham gia thực hiện.
Cùng với những biện pháp cụ thể, sáng tạo và đẩy mạnh việc tuyên truyền, huyện Kỳ Sơn cũng sử dụng tốt các nguồn vốn ngân sách, vốn lồng ghép, vốn huy động để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội. Nổi bật là việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao, như việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở ba xã Hợp Thành, Ðộc Lập và Dân Hạ; trồng khoai tây chíp ở xã Mông Hóa; trồng ớt và sản xuất bưởi an toàn theo hướng VietGAP ở xã Hợp Thịnh; trồng bưởi da xanh an toàn tại ba xóm Nhả, Giếng, Môn của xã Hợp Thành... Trong đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai từ vụ xuân năm 2014 tại ba xã Dân Hạ, Ðộc Lập và Hợp Thành thu hút 243 hộ tham gia với diện tích 18,32 ha. Theo thống kê, lợi nhuận thu được từ việc trồng lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại ba xã cao hơn so với canh tác thông thường từ 10 đến 13 triệu đồng/ha/vụ. Hơn nữa, việc sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn cũng giúp nông dân ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học, kỹ thuật làm tăng năng suất lúa, trong đó lúa lai đạt năng suất bình quân 67 đến 73 tạ/ha, lúa thuần đạt 68,8 tạ/ha/vụ.
Bí thư Ðảng ủy xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn Trần Văn Tình cho biết, đến nay xã đã đạt 13 tiêu chí về xây dựng NTM với kinh phí thực hiện hơn 4,7 tỷ đồng. Có được kết quả đó ngoài việc lãnh đạo xã thực hiện việc xây dựng NTM theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh, huyện thì xã cũng đưa ra các tiêu chí để phấn đấu hoàn thành. Cùng với đó, xã cũng thực hiện tốt việc tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ về các cơ chế, chính sách, hình thức đầu tư của Nhà nước và trách nhiệm của mỗi gia đình, địa phương, cá nhân trong xây dựng NTM. Nổi bật trong phong trào của Hợp Thịnh là xã đã phát động phong trào thi đua "Phát huy nội lực, hiến đất góp công xây dựng đường giao thông nội đồng theo tiêu chí NTM". Từ những việc làm đó, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng bằng việc góp công, góp sức, hiến đất, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Ðến nay, nhân dân đã hiến hơn 7,4 nghìn m2 đất và hàng nghìn ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng; toàn xã đã xây dựng được 14.180m đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ và nhân dân đóng góp, xã cũng triển khai thành công mô hình trồng bưởi, ớt, gà thả vườn, cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Những năm trước đây, đời sống kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Khuyên ở xóm Thông, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn gặp nhiều khó khăn. Ðến năm 2000, anh mạnh dạn nhận thầu 4.000 m2 đất của xã để trồng ngô, mía. So với trồng lúa, hiệu quả từ trồng mía, ngô cũng khá hơn nhưng khó có thể làm giàu. Năm 2009, sau khi thấy việc trồng cây phật thủ cho thu lãi cao, anh lặn lội xuống huyện Hoài Ðức (Hà Nội) tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Anh Nguyễn Văn Khuyên cho biết: "Lúc đầu trồng cây phật thủ, tôi cũng rất lo vì đây là loại cây mới ở vùng đất Hợp Thịnh không biết có cho hiệu quả như mong đợi không. Nhưng chỉ sau một năm chăm sóc, cây phật thủ đã bói quả. Hiện nay, với 4.000 m2 đất, tôi trồng hơn 300 gốc phật thủ, bình quân mỗi cây cho khoảng 50 đến 60 quả một năm với giá bán trung bình khoảng 70.000 đồng/quả. Như vậy, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 170 đến 200 triệu đồng. Ưu điểm của loại cây này là dễ trồng, mất ít công chăm sóc, mặc dù nhiều sâu bệnh nhưng phòng trừ dễ nên hiệu quả kinh tế khá cao".
Nhờ có những giải pháp cụ thể trong xây dựng NTM cho nên bộ mặt nông thôn ở huyện Kỳ Sơn có nhiều thay đổi, 99,92% số dân được sử dụng điện lưới; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông; 100% số hộ dân có phương tiện nghe nhìn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%; 12 trường đạt chuẩn quốc gia; hơn 90% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; tình hình an ninh, trật tự xã hội luôn được bảo đảm và giữ vững.
Bài và ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã