Áp dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp.
Thước đo từ lòng dân
Khi các xã, phường và các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới rồi nhưng điều đó không có nghĩa xây dựng nông thôn mới của địa phương đã dừng lại mà phải bắt tay để nâng cao thêm các tiêu chí nông thôn mới. Vì vậy, năm 2017, toàn tỉnh Hưng Yên đã được đầu tư đổi mới, nâng cấp, tập trung vào các công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng, phục vụ sản xuất như: Điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Trong đó, đã có hơn 30 km đường giao thông nông thôn được nâng cấp hoặc xây dựng mới, hàng chục trạm y tế, trường học mới đưa vào sử dụng.
Có mặt tại xã Cửu Cao, huyện Văn Giang những ngày này khi xã vừa mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Trên con đường làng trải bê tông sạch đẹp và rợp bóng cây xanh, từng khu dân cư trong xã hiện lên khang trang, nhiều ngôi nhà mới được trang hoàng thay màu sơn mới, mái ngói đỏ tươi.
Ông Phạm Văn Thực, Chủ tịch UBND xã Cửu Cao phấn khởi cho biết: “Thực hiện Nghị quyết của xã về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Cửu Cao giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030, xã đã nỗ lực phấn đấu trên mọi phương diện, từng bước hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới với chất lượng tốt.
Riêng năm 2017 xã đã huy động được tổng nguồn lực hơn 11 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường”.
“Với quyết tâm đó, qua mỗi năm, xã Cửu Cao lại có thêm những tiêu chí mới được hoàn thành. Nếu như năm 2011 xã xuất phát điểm chỉ với 5/19 tiêu chí nông thôn mới thì đến năm 2017 xã đã hoàn thành được 2 tiêu chí cuối cùng. Không khó để cảm nhận sự đổi thay của nông thôn ở xã Cửu Cao khi đi trên mỗi con đường, ngang qua mỗi khu dân cư hay thăm các mô hình sản xuất hiệu quả, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của nhân dân”- ông Thực nói.
Cũng là địa phương điển hình xây dựng nông thôn mới, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào đã thành công trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Mặc dù nằm xa trung tâm huyện, người dân trong xã chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng với quyết tâm nâng cao đời sống cho người dân, xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, huy động các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư cho sản xuất.
Ông Đỗ Chí Hào, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Hào cho biết, huyện đã chủ trì, phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến 6.790/27.162 hộ gia đình trong toàn huyện về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, thành viên Ban Công tác Mặt trận, các khu dân cư, chi hội trưởng các đoàn thể của thôn đã đến hộ gia đình hướng dẫn, giải thích từng nội dung, tiêu chí lấy ý kiến để đảm bảo các tiêu chí đó được người dân đánh giá khách quan, trung thực và phù hợp nhất.
Qua lấy ý kiến của người dân cho thấy nhân dân bày tỏ sự hài lòng, nhất trí cao. Nhân dân đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; sự tham gia vào cuộc tích cực, hiệu quả, trách nhiệm của MTTQ các cấp, đặc biệt là việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua Xây dựng “Khu dân cư 3 không”. Việc làm đó đã góp phần không nhỏ “chắp cánh” cho nông thôn mới của địa phương đi lên.
Phong trào ăn sâu, bám rễ trong dân
Theo tổng hợp của các huyện, thành phố, tổng nguồn lực huy động trong toàn tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới trong năm 2017 đạt hơn 2,1 nghìn tỷ đồng. Nhiều tiêu chí quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đã được thực hiện có hiệu quả.
Nổi bật như có 137/145 xã đạt tiêu chí điện, 132 xã đạt tiêu chí giao thông, 87 xã đạt tiêu chí trường học, 122 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Tỉnh có thêm 27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 87/145 xã, bình quân số tiêu chí các xã đạt được lên 17,7 tiêu chí/xã.
Khi thực hiện việc này 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện niêm yết công khai bản quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các nội dung liên quan đến quyết toán thu, chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp; khoản đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội…
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo nông thôn mới cấp huyện, xã và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực phát huy vai trò đại diện, tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ tới đoàn viên, hội viên theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; vận động nhân dân thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung “dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và dân giám sát”.
Theo bà Phạm Thị Tuyến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của hệ thống MTTQ nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có những bước tiến đáng kể. Qua thực hiện cho thấy cơ bản nhân dân đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới và đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thông qua sự đồng thuận đó, người dân đã có những hành động cụ thể, thiết thực như hiến 2.800.000 m2 đất thổ cư để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... đóng góp hàng triệu ngày công lao động xây dựng công trình trên địa bàn các xã của tỉnh.
“Trong thời gian tới, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huy động sức dân và khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, ưu tiên các chương trình phát triển kinh tế mang tính đột phá mang lại hiệu quả cao... Đây là một trong những đòn bẩy để chương trình xây dựng nông thôn mới cán đích sớm hơn so với quy định”- bà Tuyến nói.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 123/145 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 100 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, 142 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư. Trong đó, có một số huyện có 100% các xã hoàn thành tiêu chí thu nhập như: Mỹ Hào, Văn Giang, Khoái Châu. |
Tuệ Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã