Ông Lê Hoàng Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo Quy chế Dân chủ xã Đông Thắng, cho biết: "Đây là công trình được Nhà nước đầu tư phần lớn kinh phí (Nhà nước hỗ trợ 75% kinh phí), các hộ dân đóng góp theo tỷ lệ 25%, tính ra khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị hiến đất và hoa màu của bà con là rất lớn, khoảng 2 tỉ đồng. Trong khi các hộ sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, huê lợi mất đi không phải là chuyện nhỏ".
Đường giao thông liên ấp Đông Thắng – Đông Mỹ được xây dựng khang trang, rộng rãi.
Để thực hiện công trình, ngoài việc tổ chức họp dân lấy ý kiến, thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, xã còn đưa ra phương án cho bà con đóng góp theo từng đợt, đúng theo vụ thu hoạch lúa. Nhờ vậy, những khó khăn ban đầu đã được giải quyết, bà con hết lòng ủng hộ chủ trương làm đường, nhiều người tự nguyện đốn bỏ cây cối, hoa màu, tháo gỡ vật kiến trúc để làm gương cho bà con. Vợ chồng ông Dương Thành và bà Đào Thị Tốt là một trong những hộ tiên phong tự nguyện đốn bỏ bờ xoài 11 gốc đang cho trái để hiến đất làm đường. Bà Đào Thị Tốt, dân tộc Khmer ở ấp Đông Thắng, bộc bạch: "Ông nhà tôi nói làm đường là vì lợi ích chung của bà con, nhà tôi lại nằm gần đầu đường nên ông nhà tôi phải làm gương. Có người khuyên ông nhà tôi khoan hãy chặt cây, đợi người khác làm mình hãy làm, nhưng ông cương quyết đốn bờ xoài để tạo điều kiện cho chính quyền làm đường". Chị Đào Thị Nương, hộ dân tộc Khmer ở ấp Đông Thắng, nói: "Trước đây, đường đất hẹp khó đi lắm, mỗi lần mình muốn đi ra Cờ Đỏ phải đi xuồng. Thu nhập gia đình chủ yếu từ ruộng nên chỉ đủ ăn không có dư nhưng gia đình tôi rất ủng hộ việc làm đường. Bây giờ thấy đường sá rộng rãi, tui vui trong bụng dữ lắm". Chú Mai Văn Hồng, ấp Đông Mỹ, cho biết thêm: "Thực hiện công trình này, trung bình mỗi mét tới bà con đóng từ 110-120 ngàn đồng. Nếu ai không đủ tiền đóng một lần thì được đóng trước phân nửa, còn phân nửa tới khi thu hoạch lúa đóng tiếp. Gia đình tôi đóng khoảng 2 triệu đồng. Giờ đường sá rộng rãi khang trang, xe bốn bánh lưu thông được, ai cũng phấn khởi". Nhờ bà con đồng lòng, đến đầu năm 2013, công trình đường giao thông liên ấp Đông Thắng-Đông Mỹ đã hoàn thành.
Ông Lê Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo Quy chế Dân chủ xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ nói: "Mô hình vận động bà con xây dựng đường bê-tông liên ấp Đông Thắng-Đông Mỹ thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", do Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã thực hiện đã đạt kết quả ngoài mong đợi. Qua đó, đã khơi gợi sức đóng góp và niềm tin trong bà con nhân dân, làm tiền đề để xã Đông Thắng thực hiện tiếp nhiều công trình khác, nhất là khi xã đang phấn đấu trở thành xã văn hóa trong năm 2014". Theo ông Giang, kết quả trên không chỉ nhờ nỗ lực, đoàn kết của toàn hệ thống chính trị mà còn thể hiện sự dân chủ trong quá trình đầu tư. Đối với công trình này, Khối Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể xã đã thực hiện tốt từ khâu tuyên truyền, vận động đến công khai kinh phí xây dựng, mức đóng góp và cách thức đóng góp cho bà con thông hiểu, đảm bảo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Đồng Tâm
Nguồn: baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã