Theo đánh giá của Thành ủy Cần Thơ, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của thành phố đã có sự chuyển biến rõ rệt; huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên; hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở ở nông thôn được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Một trong những kết quả nổi bật của TP Cần Thơ là triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa. Đến nay 100% xã của thành phố đạt được các tiêu chí về thủy lợi, điện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng thương mại, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư; các tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đều đạt từ 77% trở lên.
TP Cần Thơ có gần 790 máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đáp ứng 100% diện tích lúa. |
TP Cần Thơ đề ra mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 3.5%/năm; giá trị sản xuất mỗi ha đất nông nghiệp đạt 200 triệu đồng; hàng năm đào tạo 500 – 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, nông dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho biết: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, TP Cần Thơ cần tập trung xây dựng, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thông tin dự báo định hướng sản xuất và thị trường, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển ngành nông nghiệp theo tiêu chí sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng lớn, phù hợp với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo HỒNG ĐĂNG/qdnd.vn