Nhà nhà hiến đất
Từ một xã thuần nông, Quảng Phú giờ đây đường xá đã thênh thang, kênh mương hoàn thiện, người nông dân ra đồng trong tâm thế của những mùa vụ mới bội thu.
Điểm nổi bật trong quá trình xây dựng NTM ở Quảng Phú là phong trào hiến đất, phá tường để xây dựng, mở rộng đường giao thông. Đi dọc ruộng mía Cẩm Tân - sản vật nổi tiếng của địa phương này, những con đường bê tông nông thôn còn mới, thênh thang trong cái nắng đầu hạ.
Để có những con đường liên thôn, liên xã như hôm nay đi đầu có sự đóng góp không nhỏ của những thôn dân đã hiến “tấc vàng” ruộng nương của mình cho sự nghiệp chung.
Ông Lê Quang Dựng, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Quảng Phú, cho biết: “Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhờ vào công tác vận động, tuyên truyền cho thấy hầu hết người dân đã tích cực hưởng ứng bằng các hành động cụ thể như hiến đất, tham gia đóng góp sức người, sức của để tu sửa, nâng cấp, mở rộng đường giao thông, các công trình công cộng, chỉnh trang các cơ sở văn hóa… Nhiều hộ dân đã tự giác xây dựng các công trình vệ sinh, tu sửa, xây dựng hàng rào theo đúng lộ giới quy hoạch".
Đến nay, địa phương Quảng Phú đã vận động nhân dân hiến gần 2.500 m2 đất làm đường giao thông, trong đó, nhân dân Phú Lễ là những thôn dân đóng góp nhiều nhất với gần 2.000 m2 đất.
Đường thôn ven sông Bồ dẫn vào thôn Phú Lễ giờ đã được nới rộng, bê tông hóa kiên cố. Từ bến nước, gốc đa, đình làng đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Dẫn chúng tôi ra đình làng, ông Trần Đình Tường, Trưởng thôn Phú Lễ, tự hào: “Xác định xây dựng NTM là sự nghiệp chung của Đảng ủy, chính quyền và người dân Quảng Phú. Ngay từ đầu, thông qua hệ thống tuyên truyền từ cấp cơ sở, đông đảo bà con nông dân đã hưởng ứng tích cực. Không có cuộc dựng xây, thay đổi nào là không có đụng chạm, nhưng mọi người đều chung tay, góp sức, bỏ qua những hiềm mối riêng mới thành công được”.
Đi đầu trong công tác hiến đất, phát tường rào để xây dựng đường giao thông phải kể đến các hộ gia đình như Nguyễn Đắc Thiện (250 m2), Nguyễn Ái Toác (187 m2), Trần Đại Đức (123 m2)…
Được nghe tâm sự của các hộ dân tiên phong trong công tác này mới thấy được, khi lòng dân đã thuận, thì công cuộc xây dựng sẽ sớm thành công. Ông Nguyễn Đắc Thiện tâm sự: “Mình hiến đất mở rộng đường, sau này đường là đường đi chung, trong đó có con cháu của mình. Nếu ai cũng khư khư, không vì cái chung thì biết khi nào đường làng có… ô tô mà vào được".
Ruộng mía Cẩm Tân, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Quảng Phú
Từ công tác hiến đất được thực hiện suôn sẻ, kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đã hoàn thành. Ông Lê Quang Dựng thông tin: “Đến nay, đã hoàn thành bê tông hóa, nhựa hóa hệ thống đường liên xã, thôn, 100% hệ thông đường giao thông ngõ xóm đã được nhựa hóa không lầy lội vào mùa mưa, trong giai đoạn 2011-2012 đã vận động nhân dân chủ động bê tông hóa được thêm 4 km đường, đến nay tỷ lệ bê tông hóa đạt gần 50%. Đường giao thông chính nội đồng đã cứng hóa được 3,1 km, còn 3,7 km nữa là đạt chuẩn".
Đầu tư cho giáo dục và sản xuất
Hệ thống giáo dục là một trọng những điểm nhấn khá ấn tượng của một địa phương thuần nông như Quảng Phú. Đến nay, địa phương đã có 4/6 trường học đạt chuẩn quốc gia, hệ thống giáo dục được đầu tư đảm bảo công tác dạy tốt, học tốt.
Ông Lê Quang Dựng cho biết: “Trường THCS Quảng Phú với 20 lớp học, gần 800 học sinh, các cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học được trang bị khá đầy đủ. Đặc biệt, trường có hơn 50 giáo viên đã trở thành một điển hình của ngành giáo dục đào tạo của tỉnh TT- Huế. Trong 5 năm qua, trường luôn đạt danh hiệu là trường tiên tiến của tỉnh, được Bộ GD- ĐT tặng bằng khen”.
Về sản xuất, đa dạng hóa các loại hình là một trong những bước đi vững chắc của Quảng Phú. Ngoài 40 ha mía Cẩm Tân là “đặc sản” mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm thì trong những năm qua, thông qua Chi cục PTNT và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TT- Huế, Quảng Phú đã đưa vào nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả, đặc biệt đối tượng được hưởng lợi là các hộ nghèo.
"Để xây dựng thành công NTM, xã Quảng Phú cần sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện và tỉnh. Trước mắt, cần tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ xã, thôn cách tổ chức thực hiện và chú trọng đầu tư quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy hoạch phát triển làng nghề, dịch vụ Hạ Lang, quy hoạch khu dịch vụ trên dưới cầu Tứ Phú", ông Lê Quang Dựng. |
Năm 2011, đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển đàn lợn F1 cho 51 hộ nông dân là hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2012 được sự quan tâm của tỉnh TT- Huế, hỗ trợ 3 mô hình phát triển sản xuất như mô hình nuôi cá lồng, trồng hoa cúc và nấm sò với sự tham gia của 62 hộ dân, tổng kinh phí hơn 550 triệu đồng.
Ông Dựng cho biết thêm: “Theo báo cáo kết quả rà soát tình hình triển khai công tác quy hoạch và đề án xây dựng NTM, đến nay, Quảng Phú đã đạt 15/19 tiêu chí, mức thu nhập bình quân trên đầu người đạt 20,3 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng NTM còn gặp một số khó khăn, hạn chế như hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thấp so với yêu cầu xây dựng NTM, trong khi nguồn lực tài chính của địa phương còn khó khăn".
Theo ông Dựng, trong các tiêu chí chưa đạt của địa phương, tiêu chí về môi trường đang gặp rất nhiều khó khăn. “Quy hoạch đã có nhưng việc thực hiện quy hoạch còn gặp rất nhiều khó khăn, đó là việc quy hoạch khu trang trại tập trung, di dời mồ mả, quy hoạch bãi rác trung chuyển khi triển khai thực hiện nhưng ngân sách còn hạn chế", ông Dựng trăn trở.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã