Đồng Nai hiện có hơn 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó có một số loại cây trồng đứng top đầu của cả nước như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình tiêu thụ nông sản ở Đồng Nai và trong cả nước gặp nhiều khó khăn, không ổn định, xuất nhập khẩu phụ thuộc vào tình hình cung cầu của thế giới.
Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ (PMAX 2018) tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Đây là trung tâm của miền Đông Nam Bộ, là nơi giao lưu bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không, rất thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa đi khắp các miền trong và ngoài nước.
Từ đó xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh, bảo đảm cung cầu hàng hóa, tăng cường kết nối, tạo cơ hội hợp tác đầu tư-kinh doanh sản xuất-tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trong cả nước.
Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủyban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc tổ chức chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, lợi thế của địa phương thông qua hệ thống chợ của cả nước.
Đồng thời sẽ thúc đẩy tăng trưởng về giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa; góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng thương mại, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ là diễn đàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các thương nhân gặp gỡ, trao đổi, kết nối kinh doanh từ sản xuất thông qua hệ thống chợ đầu mối đến các cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thăm các gian hàng tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây |
Đây cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ, người tiêu dùng tiếp cận nguồn hàng phong phú, đa dạng và ổn định, nhất là các mặt hàng và đặc sản vùng miền đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thông qua Chương trình sẽ khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, tham gia hoạt động kinh doanh tại chợ, góp phần xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tại thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Đây còn là cơ hội để tăng cường liên kết 3 nhà gồm nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối thông qua các hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền, từ đó hướng tới phương thức kinh doanh nông sản hiện đại và bền vững.
TIN LIÊN QUAN | |
Hội chợ Coop- Expo 2018: Kết nối cung cầu hàng hóa cho hợp tác xã | |
Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc- Quảng Ninh 2018: 46 sản phẩm được xếp hạng sao |
Theo VietnamPlus