Tuy nhiên, vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu, quy trình bảo quản, chế biến sau thu hoạch; dẫn đến làm giảm giá trị gia tăng của dược liệu và làm chậm việc thực hiện mục tiêu giảm dược liệu nhập khẩu của Bộ Y tế. Thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch Đương quy là dược liệu được sử dụng khá rộng rãi, nhưng rất khó trồng, nhiều đơn vị trồng đã thất bại do thiếu giống, sai quy trình trồng, chăm sóc. Thế nhưng, anh Vàng Thìn Nghì, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Hà Giang đã trồng thành công 20 ha, sản lượng đạt 15 tấn/ha tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) từ năm 2000 đến nay. Là người dân tộc Bố Y, anh Nghì mong muốn mở rộng phát triển cây đương quy trên quê hương Quản Bạ bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và có thể tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động. Nhưng dự định của anh chưa thể thành hiện thực do chưa có công nghệ chế biến đương quy sau thu hoạch. Anh Nghì chia sẻ: “Lâu nay, các bệnh viện, nhà máy sản xuất thuốc thường sử dụng đương quy nhập từ nước ngoài vì nó mềm, nhuận. Trong khi đó, đương quy của công ty sấy bằng hơi nên bị khô, cứng, hình thức không đẹp. Đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc tìm đến nhưng đều từ chối mua, dù các doanh nghiệp đã mang mẫu đương quy đi kiểm nghiệm và thừa nhận hoạt chất bảo đảm hơn hàng nhập khẩu”. Anh Nghì đã mất khá nhiều thời gian, tiền bạc đi tới nhiều địa phương trong nước, ra cả nước ngoài tìm hiểu, học cách chế biến đương quy nhưng kết quả gần như là con số không vì trong nước chưa có công ty nào có được công nghệ chế biến, còn nước ngoài luôn giữ kín bí quyết. Sau nhiều lần thử chế biến đều thất bại, anh Nghì đành chấp nhận bán dược liệu tươi với giá 40 nghìn đồng/kg, trong khi đương quy sau chế biến giá khoảng 400 nghìn đồng/kg. Thậm chí, tháng 8 vừa qua, khi đầu ra không có, anh phải bỏ thối trên nương nhiều héc-ta đương quy... Vì thế, anh Nghì mong mỏi chính quyền địa phương và các nhà khoa học giúp đỡ nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ chế biến để tăng giá trị đương quy nói riêng, cây dược liệu nói chung. Tình trạng thiếu kỹ thuật chế biến dược liệu gây khó khăn cho quá trình đầu tư cũng xảy ra ở Công ty cổ phần Dược liệu và tơ lụa Lâm Đồng (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Giám đốc công ty Trần Trọng Điệu cho biết, đơn vị liên kết trồng, bao tiêu dược liệu cho người dân tại các xã: Tân Thanh, Tân Hà, Đông Thanh (huyện Lâm Hà) từ ba năm qua, hiện nay công ty tồn kho khoảng sáu tấn đương quy khô chưa bán được. Trong vườn các hộ dân cũng còn khoảng 200 tấn đương quy sắp đến kỳ thu hoạch mà chưa có người đặt hàng. Nguyên nhân do không có công nghệ chế biến sau thu hoạch để sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người mua. Đã có khách hàng nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác đầu tư với công ty nhưng vì họ quyết giữ bí quyết chế biến, cho nên sự hợp tác không thành công. Hiện nay, dược liệu thô chỉ được bán vào hệ thống các phòng chẩn trị đông y, nhưng số lượng rất hạn chế. Ông Điệu cho rằng, trong khi bệnh viện tiêu thụ dược liệu số lượng lớn mà dược liệu “sạch” trồng trong nước không thể bán được vào bệnh viện do vướng khâu chế biến là một điều đáng tiếc, làm nản lòng các nhà đầu tư và khó giảm tỷ lệ dược liệu nhập khẩu. Đại diện Công ty TNHH Dược thảo Hoàng Thành NB (xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cũng chia sẻ, đơn vị đầu tư, liên kết với người dân trồng dược liệu tại các xã Khánh Thành, Khánh Công (huyện Yên Khánh), sản phẩm dược liệu “sạch” nhưng khó có đầu ra. Do không có lò sấy, vào mùa mưa, dược liệu thu hoạch về bị hấp hơi, đơn vị từng phải đổ bỏ một số lượng lớn hy thiêm. Sắp đến kỳ thu hoạch hàng trăm tấn trạch tả trong điều kiện thời tiết mưa phùn đang là một nỗi lo lắng cho doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang đầu tư trồng cúc hoa, sinh địa nhưng cũng chưa có kỹ thuật chế biến sinh địa thành thục địa, cúc hoa giữ được mầu vàng tươi sau khi sấy... Một số đơn vị kinh doanh dược liệu cũng đang gặp khó khăn vì chưa có quy trình kỹ thuật bảo quản dược liệu vào mùa mưa khi độ ẩm cao, dược liệu dễ ẩm, mốc. Hiện nay, đơn vị kinh doanh dược liệu thường xông lưu huỳnh để tránh ẩm mốc nhưng dùng nhiều lưu huỳnh sẽ gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Các nhà khoa học về dược liệu cần nghiên cứu quy trình bảo quản dược liệu với hàm lượng lưu huỳnh cụ thể, tránh lạm dụng hóa chất, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng. Mong chờ những giải pháp phù hợp Thực trạng khó khăn về công nghệ chế biến sau thu hoạch là rào cản phát triển sản xuất dược liệu của nhiều địa phương hiện nay. Tại Hội nghị Phát triển dược liệu vùng Tây Bắc vào tháng 12 vừa qua, đại diện các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lào Cai... cho rằng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Các sản phẩm dược liệu chủ yếu chế biến thô đem bán, dẫn đến giá trị kinh tế của cây dược liệu chưa cao, người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi đất trồng dược liệu, vì thế chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Từ thực tế đó, các địa phương đề nghị các bộ, ngành, viện nghiên cứu tăng cường công tác phối hợp với các địa phương trong việc xác định dược tính của các loài dược liệu; nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản để địa phương áp dụng. Trong khi chưa có công nghệ chế biến, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có giải pháp để dược liệu trồng trong nước có đầu ra. Mỗi năm, hệ thống bệnh viện y học cổ truyền sử dụng 3.000 tấn dược liệu và các doanh nghiệp sản xuất thuốc sử dụng 14 nghìn đến 15 nghìn tấn dược liệu nhưng 80% số đó là dược liệu nhập khẩu, 20% là dược liệu trong nước, do đó cần tăng tỷ lệ sử dụng dược liệu trong nước tại hệ thống này. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ Hà Giang Vàng Thìn Nghì cho rằng, trong khi chưa có công nghệ chế biến, Bộ Y tế cần nghiên cứu, cho sử dụng dược liệu đương quy trong nước theo cách nghiền bột mà không theo tiêu chuẩn, quy cách đương quy nhập khẩu hiện nay, để giúp tháo gỡ khó khăn cho các vùng trồng, đồng thời đưa dược liệu “sạch”, giá thành thấp hơn đến người sử dụng. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen sử dụng dược liệu, vị thuốc của bác sĩ. Nhiều đơn vị trồng dược liệu phản ánh, một số dược liệu bảo đảm chất lượng, thậm chí tốt hơn dược liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị bệnh viện từ chối do mầu sắc không bắt mắt bằng. Bộ Y tế cần có hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở khám, chữa bệnh về thói quen sử dụng thiếu cơ sở khoa học này. Trưởng phòng Quản lý dược cổ truyền, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Bùi Thanh Tùng cho biết, các doanh nghiệp không đủ khả năng nghiên cứu công nghệ chế biến, mà đó là nhiệm vụ của các nhà khoa học. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu về phát triển dược liệu nhưng vẫn còn thiếu những nghiên cứu thiết thực như công nghệ chế biến một số dược liệu sau thu hoạch. Thời gian tới, Bộ Y tế cần đánh giá thực trạng, điều chỉnh chính sách cho phù hợp tình hình; các nhà khoa học ở Viện Dược liệu, các trường đại học cần tham gia nghiên cứu tích cực hơn nữa... Mong rằng, những khó khăn của doanh nghiệp sớm được tháo gỡ để tạo được sự yên tâm cho nhà đầu tư, từ đó thực hiện chính sách phát triển dược liệu hiệu quả hơn. |
THANH QUÝ http://www.nhandan.com.vn/ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã