Học tập đạo đức HCM

Tăng khả năng cạnh tranh cho trái cây Việt

Thứ tư - 18/04/2018 08:13
Xuất khẩu rau, củ, quả Việt Nam đang có bước phát triển tốt với thành tích xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 960 triệu USD.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều loại trái cây nhập ngoại từ các nước Mỹ, Australia, Thái Lan, Trung Quốc lại đang thâm nhập sâu vào thị trường nội địa.

Tăng khả năng cạnh tranh cho trái cây Việt Nam. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Các chuyên gia đánh giá, chất lượng trái cây Việt đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân trong nước nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn ấn tượng trái cây nhập ngoại chất lượng ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

Trái cây Việt Nam muốn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà vẫn đảm bảo xuất khẩu tốt đang là câu hỏi chờ lời giải. 

Giữ vững thị trường nội địa 

Thành tích xuất khẩu trong thời gian qua đã suýt khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bỏ quên thị trường trong nước, mặc dù đa số sản lượng trái cây sản xuất được hiện vẫn cung cấp nội địa là chủ yếu.

Không những vậy, thị trường Việt Nam hiện đang là điểm nhắm đến của các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, có sản phẩm trái cây. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2018, ngành trái cây đã nhập khẩu gần 340 triệu USD, chiếm 35,4% so với lượng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khác. 

Với những con số được chứng minh từ thực tế sản xuất, chi phí cho nhập khẩu trái cây từ các nước, cộng với chi phí sản xuất trong nước để xuất khẩu, phục vụ cho nhu cầu thế giới, thì lượng kim ngạch mang về cho nước nhà trong 3 tháng qua còn không được bao nhiêu. 

Trăn trở với điều này, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Ủy Đồng Tháp nhấn mạnh, lâu nay cả doanh nghiệp lẫn nông dân trong nước hoan hỉ với niềm vui xuất khẩu, nhưng lại để quên mất thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng mới là nơi tiêu thụ mạnh mẽ nguồn trái cây Việt.

Mặc dù thị trường trong nước không mang về được nguồn ngoại hối lớn nhưng đây là nơi đảm bảo cho ngành sản xuất trái cây phát triển ổn định, bền vững. Người tiêu dùng trong nước sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm của nước nhà nếu người sản xuất tôn trọng họ như tôn trọng những người tiêu dùng quốc tế. 

Khảo sát ý kiến của nhiều người tiêu dùng cho thấy, yếu tố đầu tiên họ lựa chọn sản phẩm trái cây cho gia đình là an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Nguyễn Quỳnh Hương - người tiêu dùng tại quận 2 (Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ, thỉnh thoảng gia đình sử dụng trái cây ngoại nhập của Australia New Zeland, Mỹ, Pháp,... đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài, không mua tại các hệ thống siêu thị, vì độ tươi ngon nhập trực tiếp sẽ cao hơn so với hàng hóa được bảo quản với số lượng lớn, chờ cung cấp dần. 

Bên cạnh đó, chủng loại trái cây nhập khẩu thường khác biệt với quả được sản xuất trong nước như táo, lê, kiwi, nho không hạt, phúc bồn tử, việt quất, …

Tuy nhiên, thông thường giá của những loại trái cây này rất cao, dao động từ 350.000 đồng/kg đến 800.000 đồng/kg tùy loại. Chỉ những người có thu nhập rất cao mới tiêu thụ. Vì vậy, hầu như người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm trái cây sản xuất trong nước vì độ tươi ngon hơn và hợp túi tiền, chị Hương cho biết thêm. 

"Thêm một vấn đề cần cả doanh nghiệp lẫn người sản xuất quan tâm là tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trái cây trong nước với trái cây nhập ngoại. Bây lâu nay hầu hết các chuyên gia, các nhà khoa học chỉ hướng dẫn người sản xuất cách sản xuất chất lượng cao, số lượng nhiều, nhưng mọi người đều không chú trọng cách sản xuất giảm giá thành. Trong khi đó, cán cân cạnh tranh quốc tế phải bao gồm 2 yếu tố là giá thành thấp, chất lượng cao mới đủ sức chống chọi trong cuộc chiến tiêu dùng", ông Hoan phân tích thêm. 

Chất lượng phải hướng tới người tiêu dùng 

Với việc thay đổi cách sản xuất hiện nay, chuyển hướng sản xuất sạch là điều phải làm để lấy lại lòng tin người tiêu dùng; từ đó mới tăng khả năng cạnh tranh với trái cây nhập khẩu. Ông Lý Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Nông trại sinh thái Ecofarm chia sẻ, sản xuất sạch hiện nay vốn không còn là trào lưu hay xu hướng, mà vì mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, khi người tiêu dùng được quan tâm đến sức khỏe, thì chính họ sẽ giúp người sản xuất trong nước cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu khác. Không riêng ngành rau củ quả, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế đều vì nhu cầu của người tiêu dùng mới phát triển lâu dài. 

Câu chuyện doanh nghiệp hoặc người sản xuất hướng đến sản xuất sạch vốn là câu chuyện dài hơi, mà ngành trái cây đang mang nhiều triển vọng về xuất khẩu. Vì vậy, nâng cao xuất khẩu đi đôi với nguồn hàng nhập khẩu giảm đi, giúp tăng khả năng giữ vững thị trường trong nước mới là yếu tố quyết định của ngành. 

Dự định ban đầu của Ecofarm là hướng đến thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, sau những phân tích thị trường kĩ lưỡng và lợi thế sân nhà mang lại, Ecofarm đã vạch chiến lược sản xuất sạch với mục đích đầu tiên là dành một nửa lượng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng nội địa; tạo thế cân bằng chất lượng với sản phẩm nhập khẩu, một nửa còn lại mới cung cấp cho thị trường nước ngoài. 

Bước đi cho thành công trong cạnh tranh là nhận thức sản xuất của người dân thay đổi, sự hi sinh ban đầu của những doanh nghiệp tâm huyết, sẵn sàng bỏ vốn đầu tư sản xuất sạch, lấy lại chữ tín với người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Lý, một nông dân tại xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, tình nguyện đầu tư sản xuất dưa lưới công nghệ cao cũng chỉ để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, với giá bình quân 50.000 đồng/kg, không phân biệt thời điểm lễ, tết. 

Trăn trở để người tiêu dùng trong nước được sử dụng trái cây ngon, sạch, an toàn cho sức khỏe, bà Lý đã tìm hiểu và học tập cách trồng dưa lưới công nghệ cao của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và đầu tư trang trại dưa lưới xanh, dưa lưới vàng trên diện tích 1.300 m2/trại, vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng/trại.

Sau 3 tháng, bà có thể thu hoạch dưa giao cho các doanh nghiệp thu mua, cung cấp cho thị trường nội địa. Dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng với loại sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe thì sẽ được nhiều người tiêu dùng chào đón, bởi “tiếng lành đồn xa”. 

Hiện bà Lý có thể tự tin mở rộng thêm 9 trại dưa lưới để cung ứng các đơn đặt hàng xung quanh khu vực Đông Nam bộ. Đây là những “phát pháo” khởi điểm để kéo nền sản xuất trái cây sạch trong nước đi lên, tăng năng lực cạnh tranh và bảo vệ thị trường tiêu dùng nội địa. 

Tinh thần sản xuất sạch vì người tiêu dùng, vì sức khỏe cộng đồng là điều khích lệ cho ngành trái cây sạch, chất lượng trong nước. Trên thực tế, việc nhập khẩu trái cây từ các nước đang tăng không phải là trở ngại lớn cho ngành rau củ quả, bởi nhiều chủng loại trái cây được nhập khẩu không thể sản xuất được ở điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. 

"Việc nhập khẩu chỉ nhằm đa dạng hóa sản phẩm trái cây trong sự lựa chọn tiêu dùng của thị trường trong nước. Người tiêu dùng luôn thay đổi món ăn cũng như chủng loại trái cây trong việc cung cấp dinh dưỡng hàng ngày, nên trái cây nhập khẩu vẫn chưa phải là mối lo ngại lớn của ngành trái cây Việt Nam", TS. Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận xét./.

Tác giả: Hồng Nhung/TTXVN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập331
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại723,705
  • Tổng lượt truy cập90,787,098
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây