Chế biến là khâu yếu nhất
TS. Nguyễn Quốc Mạnh- Phó phụ trách Phòng cây công nghiệp, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNN)- khẳng định, hiện tại Việt Nam chủ yếu XK thô cà phê nhân, giá trị sản phẩm thương mại đều không cao. Tỷ lệ XK cà phê đã qua chế biến chỉ chiếm 7%, trong khi giá trị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê thô tới 3 lần. TS. Mạnh đưa ra minh chứng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, sản lượng cà phê tăng lên rất nhanh nhưng chất lượng cà phê chưa tương xứng với sự tăng trưởng đó.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Hữu Đễ- Cố vấn cao cấp của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa)- cho rằng, nguyên nhân cơ bản là khoảng 85 - 90% là sản xuất cà phê nhỏ lẻ, thuộc về các hộ cá thể, chỉ có khoảng 10% sản xuất cà phê tập trung.
Cũng theo Vicofa, hiện cả nước có khoảng 40 nhà máy chế biến, đạt công suất hơn 1,2 triệu tấn/năm, nhưng hầu hết cũng chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế như bóc tách vỏ, làm sạch và phân loại sản phẩm cà phê xô... Thậm chí, cà phê XK của các doanh nghiệp (DN) chủ yếu đều dưới dạng nguyên liệu thô với tiêu chuẩn trung bình, nên ngành cà phê không chỉ thiệt hại về giá trị mà còn chịu nhiều thiệt thòi do chưa xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng thế giới
Ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex- chia sẻ: “Giá trị do cà phê hòa tan đem lại gấp hàng chục lần cà phê nhân. Cụ thể, khi bán 1 kg cà phê nhân, người nông dân thu về khoảng 2 USD, tương đương giá trung bình 1 ly cà phê chế biến ở các nước nhập khẩu. Trong khi, mỗi kg cà phê nhân có thể pha được 40 ly cà phê”.
Về thực trạng này, tại Hội thảo “Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam” tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ NN & PTNN Cao Đức Phát chỉ rõ, mặc dù chúng ta đạt kim ngạch 3,4/12 tỷ USD trong tổng kim ngạch XK cà phê toàn cầu nhưng lại chiếm tỷ trọng chưa tới 1% trong tổng số 400 tỷ USD giá trị thương phẩm cà phê toàn cầu.
Nâng chất lượng XK, sự lựa chọn tối ưu
Tiềm năng XK sẽ mở ra đối với các DN cà phê Việt với dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và có chiến lược mở rộng thị trường khoa học mang tính khả thi cao. Bên cạnh đó, xây dựng được vùng cà phê chất lượng cao và có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến.
Ông Lương Văn Tự- Chủ tịch Vicofa- cho biết, hiện một số DN bước đầu liên kết với các nông hộ sản xuất cà phê sạch tạo vùng nguyên liệu nhằm góp phần chủ động nguồn hàng cà phê nhân chất lượng cao. Đi đầu trong sản xuất cà phê sạch là Công ty TNHH Dak Man (Đăk Lăk). Ông Phạm Ngọc Bằng - Phó Tổng giám đốc công ty - cho hay: “Hiện tại Đak Man là một trong những công ty XK cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng cao vào thị trường EU. Nhiều năm nay chúng tôi đã kết hợp với địa phương tìm vùng sản xuất cà phê nguyên liệu sạch, ổn định và lâu dài, từ đó ký hợp đồng và thu mua sản phẩm”.
Ngoài Dak Man, cà phê Trung Nguyên cũng là một ví dụ điển hình cho việc xây dựng thương hiệu, mô hình cà phê sạch. Bên cạnh đó, còn có những thương hiệu được nhắc đến thường xuyên như: Vinacafe, Mê Trang…. và các sản phẩm rang xay chiếm lĩnh tại thị trường nội địa cũng như XK như Thu Hà (Gia Lai), Ðắc Hà (Kon Tum)...
Để tăng giá trị cho cà phê ông Lương Văn Tự cho rằng, đã đến lúc các DN phải tập trung nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất cà phê, cũng như đầu tư mở rộng quy mô, công suất chế biến từ dạng thô sơ sang cà phê bột, cà phê hòa tan... Ông Trần Đức Thanh- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên- đề xuất vận động nông dân thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã… để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, khắc phục điểm yếu của ngành cà phê Việt Nam, tập trung đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỉ lệ cà phê có chứng nhận (UTZ Certyfy, 4C, Rainforest Aliance và VietGAP).
Bộ NN&PTNT xác định, phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng kim ngạch XK các sản phẩm cà phê 3,8 - 4,2 tỷ USD/năm, đến năm 2030 đạt 4,5 tỷ USD/năm. Ngoài ra, đưa tỷ lệ cà phê được chế biến ở quy mô công nghiệp đạt 40% vào năm 2015, 70% đến năm 2020 và trên 80% năm 2030. Đến năm 2020, tỷ lệ cà phê tiêu dùng (cà phê rang xay, hòa tan) đạt trên 25% tổng sản lượng cà phê (quy nhân).
Thay lời kết, chúng tôi rất tâm đắc với tâm sự của ông Phạm Ngọc Bằng - Phó Tổng giám đốc Công ty Dak Man: “Muốn ngành cà phê phát triển, đem về giá trị XK lớn gấp nhiều lần, không còn cách nào khác, người làm cà phê của Việt Nam phải tìm cách xây dựng thương hiệu riêng, qua đó mới nâng cao được giá trị gia tăng”.
Theo “Quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và XK đến năm 2020, định hướng 2030” sẽ tiếp tục duy trì và giữ ổn định thị trường cà phê Việt Nam đã XK đến 80 quốc gia, đặc biệt là 10 nước nhập khẩu nhiều cà phê như Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh và Trung Quốc. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã