Báo động thiếu nguồn cung
Liên tục từ đầu tháng 4, thông tin tôm chết hàng loạt vì nắng nóng từ khắp các vùng nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long không chỉ khiến người nông dân đau xót, mà chính các DN chế biến cũng như ngồi trên lửa khi viễn cảnh thiếu nguyên liệu cho sản xuất quý III đã hiển hiện.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, xuất khẩu (XK) sụt giảm, tiêu thụ khó khăn khiến giá thủy sản nguyên liệu giảm mạnh trong khi chi phí sản xuất tăng đã tác động xấu tới tình hình thả nuôi vụ mới. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Văn Phụng - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam - cho biết, do đặc tính mùa vụ, nếu tháng 5,6 và 7 nông dân không thả nuôi thì nguyên liệu XK cho quý III, IV sẽ cực kỳ khó khăn. Đặc biệt, hai quý cuối năm, nhu cầu thực phẩm từ các thị trường rất cao, nếu không đủ nguyên liệu, DN khó tranh thủ thời cơ gia tăng XK. Nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân, ông Phùng đang cùng với một số DN khác hỗ trợ người nuôi bằng cách tăng giá mua đầu vào.
Theo chia sẻ của một số DN, hiện thị trường đang có hiện tượng thao túng rất nguy hiểm. Do XK khó khăn, tồn kho tăng cao, một số DN lớn thực hiện bán phá giá, đồng thời ép nông dân bán nguyên liệu giá rẻ, khiến họ nản lòng, không thả nuôi vụ tiếp, khi đó hàng khan hiếm, tạo thời cơ đẩy giá lên xả hàng tồn.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- kiến nghị, Nhà nước xem xét điều chỉnh hạ lãi suất cho ngành nông - lâm - thủy sản, giúp DN và nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong ngắn hạn, việc thiếu nguyên liệu có thể sẽ có hướng khắc phục nhờ nhập khẩu. Về lâu dài, cần có chính sách khuyến khích nuôi trồng trong nước để chủ động nguyên liệu.
Bất cập từ quy hoạch đến quản lý chất lượng
Không chỉ gặp vấn đề về diện tích nuôi suy giảm, ngành thủy sản vẫn đang chật vật vì những bất cập trong quy hoạch của các địa phương. Trong phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), quy hoạch có vai trò tối quan trọng, đem lại sự ổn định về diện tích, địa điểm, giúp nông dân, DN yên tâm đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng “thả” vốn để phát triển sản xuất.
Hơn nữa, quy hoạch còn tác động đến môi trường NTTS, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng thủy sản. Theo đánh giá của ông Bùi Đức Quý- Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) - các loài thủy sản bị chết, hay dịch bệnh một phần là do môi trường nuôi không tốt. Những năm qua, ngành thủy sản phát triển “nóng” song hạ tầng lại chưa theo kịp dẫn đến môi trường nuôi dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh gia tăng và khó kiểm soát chất lượng con giống cũng như sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh chuyện quy hoạch, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang khiến các DN XK cũng như nhà quản lý đau đầu. Liên tiếp từ đầu năm đến nay, nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam đã bị từ chối XK vì dư lượng kháng sinh. Theo chuyên gia thủy sản Ngô Quang Tú, các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam có công nghệ hiện đại thuộc nhóm đầu thế giới, nên khâu sản xuất chắc chắn bảo đảm được ATVSTP. Vấn đề nằm ở khâu nuôi trồng, từ con giống, thức ăn, thuốc… chưa được kiểm soát tốt. Đặc biệt, nhiều DN cho rằng, lỗ hổng lớn nhất trong khâu NTTS chính là thị trường thuốc kháng sinh. Tại Việt Nam, các hộ nông dân dễ dàng mua thuốc kháng sinh rồi tự “xử”.
Mục tiêu 10 tỷ USD- Cách nào?
Theo Chương trình phát triển XK thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, thủy sản tiếp tục là ngành XK chủ lực với giá trị XK đạt mức 10 - 10,5 tỷ USD.
Với điều kiện cơ sở vật chất chế biến hiện đại, lợi thế về lao động, thổ nhưỡng, tài nguyên, ngành thủy sản có nền tảng tốt để phát triển. Song, để đạt được mục tiêu XK trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, ngành thủy sản phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế. Trong đó, đặc biệt cần tập trung quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và quản lý mặt hàng thủy sản theo chuỗi.
Mặt khác, liên quan tới khâu thị trường, theo ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tổng cục sẽ kết hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổng điều tra và sắp xếp lại các DN chế biến theo hướng tập trung ở các cụm công nghiệp, gắn liền với vùng nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thuận lợi cho quản lý. Bên cạnh đó, ngành cần có lộ trình quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản cho phù hợp với vùng sản xuất nguyên liệu, thị trường.
Dưới góc nhìn của DN, ông Lê Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang - cho rằng, ngành thủy sản muốn phát triển bền vững phải thiết kế tốt mối liên kết dọc và ngang. Đó là liên kết giữa người nuôi, DN, nhà quản lý, thị trường và liên kết giữa chính các DN với nhau, tránh “gà nhà đá nhau” để cùng xây dựng và gìn giữ thương hiệu thủy sản Việt trên thị trường quốc tế.
theo baocongthuong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã