Sáng ngày 6/9, tại Sơn La, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức hội thảo "Phát triển KTHT, HTX trên địa bàn Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp".
Nhắc lại lý luận và tư tưởng về phát triển KTHT, HTX của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhận định KTHT phải ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, mục tiêu là đưa KTHT, HTX thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế.
Những thành tựu quan trọng
Khu vực Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước, là phên dậu phía Tây Bắc của nước ta, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của vùng Bắc bộ, đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cho biết trong năm 2017, tình hình KT-XH của tỉnh Sơn La ngày càng được ổn định và phát triển. Riêng các mặt hàng về nông sản đã xuất khẩu tới hơn 11 nước, doanh thu đạt trên 100 tỷ USD.
Trong đó, mô hình KTHT luôn được tỉnh quan tâm hỗ trợ và đang dần trở thành một thành phần kinh tế chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 514 HTX được thành lập, chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới. Riêng 7 tháng đầu năm 2018 đã thành lập mới 78 HTX. Trong đó có 344 HTX dịch vụ nông nghiệp, 64 HTX thủy sản, 21 HTX tiểu thủ công nghiệp, 20 HTX xây dựng, 53 HTX thương mại, du lịch, 44 HTX vận tải và một số HTX khác.
Trong tỉnh hiện đã hình thành được 57 mô hình HTX liên kết gắn với chuỗi giá trị, cho thu nhập cao như na ghép (900 triệu đồng/ ha), nho tím (600 triệu đồng/ha), nhãn ghép (360 triệu đồng/ha)….
Về tình hình phát triển mô hình tổ hợp tác (THT), HTX trên địa toàn 7 tỉnh Tây Bắc, ông Bùi Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu, Cụm trưởng Cụm thi đua Tây Bắc, cho biết tính đến tháng 5/2018, 7 tỉnh Tây Bắc có 2.446 HTX, trong đó có 2.216 HTX đang hoạt động.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu |
Sau khi Luật HTX 2012 đi vào cuộc sống, từ năm 2013 đến nay, đã có 1.176 HTX thành lập mới, giải thể 666 HTX hoạt động không hiệu quả, tổ chức lại 710 HTX theo Luật HTX 2012.
Tổng số thành viên, người lao động trong HTX là trên 218.000 người. Tổng số vốn đăng ký là trên 2.400 tỷ đồng nhưng chỉ có 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Hòa Bình.
Tổng doanh thu của các HTX đến hết tháng 5/2018 ước đạt gần 2.600 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động thường xuyên làm việc trong khu vực HTX là trên 3 triệu đồng/ người/tháng. Nộp ngân sách nhà nước gần 75 tỷ đồng.
Hiện các HTX vùng Tây Bắc có trên 8.500 cán bộ chủ chốt, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu, quy định về Luật HTX. Tuy nhiên, quá nửa trong đó chưa được đào tạo, số cán bộ được đào tạo từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 12,8%.
Đa số các cán bộ quản lý các HTX chưa có kiến thức sâu về các hoạt động quản trị, quản lý tài chính, chế độ kiểm toán của HTX. Về THT, khu vực Tây Bắc có 11.139 THT với gần 162.000 thành viên. Trong đó có 6.156 THT đăng ký chứng thực Hợp đồng hợp tác.
Như vậy, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa được như kỳ vọng nhưng khu vực KTHT, HTX của Tây Bắc đang phát triển với tốc độ cao hơn các vùng kinh tế khác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, KTHT, HTX trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc còn nhiều tồn tại, yếu kém: Tổ chức, quản trị, hoạt động của HTX theo Luật HTX 2012 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; doanh thu, lợi nhuận của nhiều HTX, THT còn thấp, một số HTX, THT nông nghiệp còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bí thư tỉnh Sơn La Hoàng Văn Chất báo cáo tại hội thảo. |
Các giải pháp được đề xuất
"Đa số các HTX, THT chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ, chưa sản xuất hoặc chưa xác định được sản phẩm hàng hóa gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương; chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường; thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp, phụ thuộc vào thương lái; thu nhập của thành viên thấp, nhiều thành viên chưa tin tưởng Hội đồng quản trị HTX. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương và một số sở ngành trong xây dựng KTHT, HTX còn hạn chế", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhận xét.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan chức năng, các chuyên gia, giám đốc các HTX đã trao đổi thẳng thắn, phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan, những mặt được, hạn chế và yếu kém trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương.
Xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh nhiều mặt, tạo điều kiện cho các tỉnh vùng Tây Bắc huy động được nguồn lực tự có, kết hợp với huy động từ thị trường trong nước và quốc tế để đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ cao, gắn với chuỗi giá trị trong nước và khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; đồng thời làm rõ những thách thức, khó khăn trong phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết khu vực KTHT, HTX có vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng đối với phát triển KT-XH của đất nước.
Mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng khu vực KTHT, HTX của cả nước tiếp tục phát triển, đang từng bước tăng trưởng, tạo việc làm cho các thành viên và người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần trong việc thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.
Để đẩy mạnh phát triển KTHT, trong đó trọng tâm là mô hình HTX, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển KT-XH vùng Tây Bắc gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng đồng bộ, toàn diện và lâu dài.
Trong đó, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng, đặc biệt ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ. Huy động mọi nguồn lực của địa phương trong vùng Tây Bắc, cùng với nguồn lực đầu tư của Trung ương và thu hút các thành phần kinh tế đến đầu tư trên địa bàn vùng Tây Bắc để hiện đại hóa kết cấu cơ sở hạ tầng KT-XH
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về HTX, nâng cao nhận thức và tư duy về phát triển KTHT, HTX…
Hồng Nhung/thoibaokinhdoanh.vn