Đầu năm đến nay, ngư dân TX Kỳ Anh liên tục "trúng" biển
Để giúp bà con sớm có điều kiện tái sản xuất, ổn định đời sống, cả hệ thống chính trị thị xã đã tập trung vào cuộc triển khai công tác kê khai, xác định mức độ thiệt hại. Đến ngày 28/3/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đền bù cho 8.232 đối tượng với số tiền 262.555,686 triệu đồng. Hội đồng chi trả TX Kỳ Anh đã chi trả xong 234.171,526 triệu đồng cho 7.334 đối tượng mà UBND tỉnh phê duyệt ở 9 xã, phường bị ảnh hưởng; còn 898 đối tượng với số tiền 28.384,16 triệu đồng chưa nhận tiền đền bù do tỉnh mới phê duyệt chưa chi trả hoặc không có mặt trên địa bàn.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà cho biết: “Để đảm bảo công bằng, khách quan, tạo được sự đồng thuận trong công tác bồi thường, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường thành lập các tổ tiếp nhận và giải quyết đơn thư để kịp thời giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của bà con liên quan đến đền bù sự cố. Đồng thời, lãnh đạo TX Kỳ Anh cũng trực tiếp đối thoại trên 90 cuộc với bà con nhân dân về những kiến nghị cần giải đáp tại tận các thôn xóm, góp phần tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”.
Nỗ lực của các cấp chính quyền thị xã trong bồi thường thiệt hại và sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành trung ương trong việc đánh giá, phân tích làm cơ sở công bố biển an toàn đã khuyến khích, thôi thúc bà con ngư dân vùng ảnh hưởng trở lại vươn khơi, bám biển.
Kỳ Lợi là xã ven biển có số lượng tàu thuyền lớn nhất TX Kỳ Anh (gần 800 chiếc) và là nơi gặp nhiều khó khăn sau sự cố, đến nay, theo Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Vượng thì 100% tàu thuyền đã ra khơi đánh bắt, không khí sản xuất đã nhộn nhịp trở lại. Sau khi nhận tiền đền bù, một số ngư dân đã nâng cấp, sửa sang lại tàu thuyền, ra khơi bám biển. Từ ra tết tới nay, bà con “trúng” rất nhiều cá cháo, cá cơm, cá trích, cá đù, mực và ruốc...
Gặp ngư dân Nguyễn Văn Thanh khi tàu vừa cập bến, chúng tôi được ông chia sẻ: “Hôm nay, tàu của tôi đánh được khoảng 5 tạ cá trích, giá chưa cao như trước đây, thế nhưng, các tiểu thương đều thu mua hết”.
Bến cá Kỳ Ninh mấy ngày nay cũng luôn nhộn nhịp tàu thuyền với đầy ắp cá tôm. Được biết, từ đầu năm đến nay, hơn 200 tàu thuyền của Kỳ Ninh đã ra khơi đánh bắt trở lại. Mỗi chuyến ra khơi, tổng sản lượng của cả xã khoảng 30-35 tấn, ngày ít thì gần 10 tấn. Nhờ giá cả dần ổn định nên đời sống bà con ngày một nâng lên.
Công tác bồi thường tiếp tục được thị xã đẩy nhanh, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4/2017
Cùng với đánh bắt thủy sản, hiện nay, bà con đang tất bật chuẩn bị cho vụ nuôi trồng mới. Về Kỳ Ninh, Kỳ Nam, Kỳ Hà, Kỳ Trinh..., chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương, hối hả cải tạo ao hồ để kịp thả giống cho vụ mới.
Ông Lê Quang Anh – Giám đốc HTX Nuôi trồng Tiểu Láng (xã Kỳ Hà) chia sẻ: “HTX có 44 hộ thì hơn một nửa đã chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, đầu tư vỗ bờ, lót bạt đáy và đưa máy móc vào để phục vụ nuôi trồng. Hiện nay, bà con đang tập trung cải tạo ao hồ, vệ sinh môi trường với tâm lý hết sức phấn khởi và mang nhiều kỳ vọng, phấn đấu đến ngày 10/4 sẽ thả giống đại trà”.
Là địa phương có diện tích nuôi tôm, cua lớn nhất của thị xã nên hiện nay, chính quyền phường Kỳ Trinh đang tích cực kêu gọi bà con triển khai việc cải tạo ao hồ để nuôi trồng vụ mới. Theo Chủ tịch UBND phường Trần Anh Đàn, toàn phường có 300 hồ nuôi tôm lớn nhỏ. Sau khi nhận được thông tin biển đã an toàn trở lại nên các hộ đang tích cực cải tạo ao hồ, diệt tạp để thả vụ mới. Ông Trần Ngoạn cho biết, gia đình có hơn 1 ha nuôi tôm. Bước vào vụ nuôi mới, gia đình đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để cải tạo hồ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hiện nay, người nuôi tôm tại xã Kỳ Hà cũng đang tích cực vỗ bờ để kịp thả nuôi trong tháng 3 âm lịch. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Luyện cho biết: “Hiện nay, ngoài việc 100% tàu thuyền đã ra khơi đánh bắt trở lại thì 77 hộ nuôi tôm cũng đang tất bật chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Đặc biệt, vụ nuôi năm nay, 60% hồ nuôi đã được vỗ bờ bằng bê tông, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao năng suất.
Theo thông tin từ UBND thị xã Kỳ Anh, vụ tôm năm nay sẽ có khoảng hơn 600 hộ thả nuôi với diện tích trên 530 ha, tập trung tại Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Trinh, Kỳ Nam... Theo lịch thời vụ, từ đầu tháng 4, các hộ bắt đầu thả con giống. Hiện nay, thị xã đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp về các địa phương để tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật cải tạo ao hồ, xử lý môi trường cũng như cách chọn giống, phòng chống dịch bệnh.
Nhìn những con thuyền rẽ sóng ra khơi, những hồ tôm xôn xao mùa xuống giống và bè mực đầy ắp tiếng cười nói của thực khách... có thể thấy, sức sống đang rộn ràng gõ nhịp trên vùng đô thị mới Kỳ Anh sau 1 năm sóng gió.
Theo: Phúc Quang/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã