Doanh nghiệp và người nuôi… đều khó
Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 1,27 tỷ USD, giảm 23% so cùng kỳ năm 2014 và cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản là tôm và cá tra đều giảm lần lượt là 30% và 10,4% đã kéo kim ngạch chung rơi xuống mức rất thấp.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, có nhiều khó khăn vây quanh ngành thủy sản; trong đó rào cản kỹ thuật từ nhiều nước tiếp tục dựng lên gây trở ngại cho nhiều doanh nghiệp. Chỉ tính riêng thị trường Hoa Kỳ do ảnh hưởng việc chống bán phá giá đã khiến giá trị xuất khẩu quý 1-2015 giảm tới 44%; ngoài ra những thị trường quan trọng khác như Nhật Bản, châu Âu… cũng giảm do ảnh hưởng đồng yên và euro giảm giá so với USD khiến giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta chịu thiệt khi quy đổi sang USD. Mặt khác, Ấn Độ và một số nước khác đang vào vụ thu hoạch tôm và họ bán với giá thấp hơn nên các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh lại.
Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong quý 1-2015.
Xuất khẩu giảm đã kéo giá tôm, cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm theo. Hiện thương lái thu mua tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg với giá 80.000 đồng/kg, loại 90 con/kg giá 92.000 đồng/kg, 80 con/kg giá 98.000 đồng/kg… bình quân giảm khoảng 30.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), trăn trở: “Với giá này hầu như người nuôi không lời, riêng những hộ bị dịch bệnh làm tôm hao hụt nhiều sẽ lỗ vốn”. Trong khi đó, giá cá tra ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… cũng liên tục giảm xuống mức 22.000 - 22.800 đồng/kg, với giá này những hộ nuôi không đạt sẽ bị lỗ nặng.
Cần giải pháp đồng bộ
Với hàng loạt cái khó ập đến ngay từ đầu năm khiến chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 8 tỷ USD trong năm 2015 là một thách thức không nhỏ. Trước những trở ngại trên, Bộ NN-PTNT, VASEP cùng các ngành chức năng đang nỗ lực gỡ khó và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng: “Giữa năm là lúc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tăng mạnh và sẽ đạt đỉnh vào cuối năm. Vấn đề hiện tại là tìm giải pháp giữ vững những thị trường truyền thống và đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào những thị trường mới, thị trường tiềm năng… nhằm “chờ” thời cơ sẽ bứt phá”. Điểm sáng lúc này là thị trường Hàn Quốc. Năm 2014, các doanh nghiệp đã xuất sang Hàn quốc gần 28.000 tấn tôm, đạt giá trị 290 triệu USD (chiếm gần 50% tổng sản lượng nhập tôm của Hàn Quốc). Hiện tại nhu cầu nhập tôm của Hàn Quốc vẫn ở mức cao và sản phẩm của Việt Nam đã tạo được uy tín tốt đối với người tiêu dùng nước này. Bên cạnh đó, Việt Nam và Hàn Quốc cũng vừa kết thúc đàm phán Hiệp định FTA; và nếu hiệp định được ký kết trong năm nay thì đây là cơ hội để các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất sang Hàn quốc mạnh hơn.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN-PTNT cho biết, mới đây Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi và cung ứng thực phẩm Brazil (MAPA) có công văn gởi Nafiqad thông báo nước này đã hủy lệnh tạm ngưng cấp phép nhập khẩu cho thủy sản và sản phẩm thủy sản của Việt Nam, sau 6 tháng gián đoạn vì lý do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây được xem là tin vui cho các doanh nghiệp nhằm gia tăng xuất khẩu thủy sản vào Brazil, trong điều kiện các thị trường khác còn khó.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng, bộc bạch: “Năm ngoái kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Brazil khoảng 125 triệu USD, chủ yếu là cá tra. Dù giá trị cá tra xuất vào nước này chưa nhiều nhưng khả năng “ăn hàng” ngày càng tăng cho thấy rất triển vọng. Tuy nhiên, để kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra bứt phá thì nhiều doanh nghiệp tích cực đàm phán và “chờ” vào sự khởi sắc trở lại của các nước châu Âu, bởi đây là thị trường lớn và được xem là “dẫn lối” cho thủy sản Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 4-2015, Đồng Tháp họp bàn việc quy hoạch nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra một cách hợp lý theo tình hình mới. Quan điểm chung là giảm số lượng, tăng chất lượng, đẩy mạnh sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo các địa phương và ngành chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo dõi chặt thời tiết diễn biến thất thường và thời gian gần đây tình trạng tôm chết xuất hiện nhiều nơi ở ĐBSCL. Vì vậy, phải tìm giải pháp hạn chế thấp nhất dịch bệnh gây thiệt hại cho tôm, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, bởi thiếu tôm đang là mối lo hiện nay…
Ông Trần Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, cho biết, để gia tăng xuất khẩu thì phải đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu; đặc biệt là giá thành nuôi càng giảm sẽ càng gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thời gian qua không khí có lúc rất lạnh, rồi lại nắng nóng… việc thay đổi thời tiết nhanh sẽ gây bất lợi cho tôm nuôi. Vì thế, ngành chuyên môn đang theo dõi chặt diễn biến để khuyến cáo người nuôi đề phòng, giảm nguy cơ thiệt hại…
HUỲNH PHƯỚC LỢI
theo sggp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã