Huyện Trần Đề được tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thành vùng lúa chất lượng cao, chủ yếu là giống “Sóc Trăng 5”-ST5. Toàn huyện có hơn 22.000 ha lúa, vụ Hè Thu năm nay, các giống lúa chủ lực là OM 6976 chiếm 13.000 ha, OM 4900 là 5.000 ha, ST5 là 2.400 ha, còn lại là các giống lúa khác.
Với diện tích đất trồng lúa hơn 2.500 ha, vụ lúa Hè Thu này, xã Viên Bình đã xây dựng được cánh đồng mẫu giống lúa ST5 với diện tích 1.580 ha. Trong đó có 460 ha đạt tiêu chuẩn cánh đồng mẫu lớn có 204 hộ tham gia cam kết thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật canh tác.
Giống lúa ST5 đang được các thị trường khó tính ưa chuộng, hiện mang lại giá trị cao cho nông dân tỉnh Sóc Trăng, là tiền đề để xây dựng thương hiệu gạo cao cấp của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, giống lúa ST5 là giống thuần chủng của Việt Nam, cho năng suất cao hơn các giống lúa khác, chất lượng được các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu ưa chuộng. Trên thị trường, 1 tấn gạo ST5 hiện được bán cao hơn 200 USD so với các giống gạo khác (khoảng 600-700 USD/tấn so với mặt bằng chung 400-500 USD/tấn).
Qua nghiên cứu, nhận xét của các nhà khoa học trong tỉnh, kết hợp với thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa thơm ST hay những giống lúa thơm khác, khi được trồng trên đồng đất của huyện đều cho năng suất và chất lượng rất cao. Vì vậy, ngay sau khi thành công ở vụ lúa Đông Xuân 2010-2011 với giống lúa thơm ST5, huyện Trần Đề đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lúa đặc sản với chủ lực là các giống lúa thơm ST5, hình thành vùng nguyên liệu lúa thơm mang tính hàng hóa để xây dựng thương hiệu.
Phát triển các giống lúa đặc sản có chất lượng cao là một chủ trương mang tính lâu dài. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cần cập nhật thông tin về giống, thị trường để có kế hoạch phát triển phù hợp. Với chủ trương trở thành huyện lúa thơm đầu tiên của tỉnh, ngoài việc tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã, công tác giống, thủy lợi được lãnh đạo huyện xác định là một trong những vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Mô hình HTX đàn bò sữa
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ cũng đã đi thăm mô hình chăn nuôi, thu mua, sơ chế sữa bò tại huyện Trần Đề.
Theo báo cáo, đàn bò sữa của Sóc Trăng đang dẫn đầu về số lượng so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bò sữa đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con Khmer và góp phần đắc lực vào chương trình giảm nghèo ở địa phương.
Đàn bò sữa của Sóc Trăng tập trung ở các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và một phần huyện Châu Thành.
Hầu hết hộ nuôi bò sữa là bà con Khmer và tất cả đều tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp EverGrowth, thu mua sữa và thực hiện các dịch vụ thú y, bán thức ăn trả chậm, phân chia lợi nhuận cuối kỳ cho xã viên.
Với hơn 3.300 con bò sữa, trong đó có 60%/tổng đàn đang cho sữa, sản lượng sữa mỗi ngày hơn 15 tấn. Do địa bàn chăn nuôi phân tán, nên hợp tác xã tổ chức 6 điểm thu mua sữa tập trung, gồm có 4 điểm thu mua sữa nóng (sữa mới vắt) và 2 điểm lạnh tập hợp lượng sữa nóng về để sơ chế trước khi chuyển đến công ty mua sữa tại tỉnh Bình Dương.
Mỗi kg sữa đang được mua với giá 11.000 đồng, trung bình mỗi ngày 1 con bò cho từ 13 kg đến 15 kg sữa, trừ chi phí còn lời được từ 100.000 đến 120.000 đồng. Nuôi bò sữa đang dần cho thấy là nghề mang lại thu nhập và ổn định cuộc sống cho nông dân tại Sóc Trăng.
Theo Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã