Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (BCĐ Chương trình MTQG Xây dựng NTM) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị Giao ban đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương tìrnh MTQG Xây dựng NTM tỉnh cùng các lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành và thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến khẳng định cả hệ thống chính trị phải tập trung chỉ đạo, lãnh đạo để nâng cao hiệu quả xây dựng NTM |
Theo báo cáo số liệu thống kê, năm 2016 tổng huy động nguồn lực xây dựng NTM toàn tỉnh đạt 5.634,699 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp cho Chương trình 1.976,582 tỷ đồng, chiếm 35,08%; vốn lồng ghép 882,576 tỷ đồng, chiếm 15,69%; vốn tín dụng 1.175,547 tỷ đồng, chiếm 20,86%; vốn doanh nghiệp 280,166 tỷ đồng, chiếm 4,97%; vốn nhân dân đóng góp bằng tiền 986,881 tỷ đồng, chiếm 17,5%; ngày công, hiến đất, vật liệu quy ra tiền và vốn khác 332,947 tỷ đồng, chiếm 5,9%.
Từ nguồn vốn huy động được, Thanh Hóa đã hỗ trợ đầu tư xây dựng có hiệu quả 251 công trình và cấp bổ 67.459,7 tấn xi măng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã xây dựng NTM. Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp được 1.399,8km đường giao thông nông thôn các loại; 54 trạm bơm; 119 trạm biến áp; 214 phòng học các loại; 135 Trung tâm văn hóa, thể thao xã, 956 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản, 104 trạm y tế xã, 77 trụ sở xã, 53 chợ nông thôn; chỉnh trang, xây mới 19.450 nhà ở dân cư; 4.483 công trình nước sinh hoạt.
Đến nay, nhìn chung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được triển khai sâu rộng, lan tỏa rộng khắp đến tất cả các vùng miền của địa phương.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đi đến thống nhất: Chương trình MTQG xây dựng NTM là chương trình toàn diện, sâu sắc có tác động to lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Những năm qua, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bài bản, đạt được nhiều kết quả tích cực và nổi bật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương vẫn còn lúng túng, còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với khu vực miền núi, nơi tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí tương đối thấp. Đối với các xã 135, muốn về đích NTM cần phải có cơ chế đặc biệt.
Nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh có mức độ, trong khi nguồn vốn cần có để thực hiện chương trình lại quá lớn, do vậy cần có phương án tạo điều kiện cho các địa phương được vay vốn để thực hiện mục tiêu, kế hoạch mà chương trình đặt ra.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy biểu dương, đánh giá cao những thành quả đạt được trong thời gian qua. Thanh Hóa hiện có 1 huyện (Yên Định) và 180 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 31,5%), cao hơn so với mức bình quân của cả nước (có 33 huyện và 28,9% số xã đạt chuẩn).
Tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Chiến cũng thẳn thắn nêu lên những vấn đề tồn tại, hạn chế như: kết quả xây dựng NTM giữa các vùng miền không đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng của nhiều địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng; việc nhân rộng các mô hình hiệu quả ra diện rộng chưa đạt yêu cầu; vấn đề huy động các nguồn lực để xây dựng NTM vẫn còn biểu hiện trông chờ, ỉ lại; một số xã đạt chuẩn có biểu hiện bằng lòng, thoả mãn…
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM |
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, thời gian tới cả hệ thống chính trị phải tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành bằng được các chỉ tiêu xây dựng NTM theo đúng tinh thần của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII đặt ra. Bên cạnh đó, cần rà lại bộ máy BCĐ các cấp, làm rõ hơn cơ chế vận hành, đặc biệt giữa cấp tỉnh với cấp huyện; phát huy thật tốt khả năng của từng cán bộ trong BCĐ trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ông Chiến cũng yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị tập trung thực hiện những tiêu chí cứng mà Trung ương đã ban hành, tuyệt đối không triển khai theo hướng dễ làm trước, khó làm sau mà phải tiến hành thực hiện toàn diện, đồng bộ.
Phải quy hoạch xây dựng NTM gắn với các vùng sản xuất theo chuỗi và phát triển liên vùng, phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, làm thật tốt chủ trương “mỗi làng một sản phẩm”; cần thực hiện thật tốt việc xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đối với việc đi vay để xây dựng NTM, cấp huyện phải thẩm tra, rà soát kỹ lưỡng, nếu thấy các xã có kế hoạch và lộ trình trả nợ rõ ràng, khả thi thì mới chấp thuận. Riêng với các xã còn nợ đọng trong xây dựng NTM, phải tập trung trả nợ xong mới cho vay tiếp.
+ Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Chương trình đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 31 tập thể, 21 hộ gia đình và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM năm 2016. + Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 1 huyện (Quảng Xương), có ít nhất 37 xã cán đích NTM; mỗi huyện miền núi, phấn đấu bình quân có 7 thôn, bản trở lên đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí, tăng 0,8 tiêu chí so với năm 2016 và phấn đấu không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã