Thành phố Hưng Yên có 12 đơn vị hành chính, trong đó có 7 phường và 5 xã là: Bảo Khê, Trung Nghĩa, Liên Phương, Hồng Nam và Quảng Châu. Xuất phát từ đặc điểm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh nên việc xây dựng NTM ở thành phố có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác và việc xây dựng NTM ở đây phải gắn liền với mục tiêu phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Oanh, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, ngay từ đầu thành phố đã định hướng các xã phải hoàn thành và hoàn thành cao hơn các tiêu chí NTM để phù hợp với tốc độ đô thị hóa của thành phố. Cụ thể: các xã phấn đấu xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn với mặt đường rộng từ 5m trở lên, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng, hệ thống nước sạch, xây dựng các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đạt chuẩn; quy hoạch các chợ, khu dân cư theo hướng thuận tiện, hiện đại, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Theo kế hoạch, trong năm 2013, thành phố sẽ có hai xã Bảo Khê và Trung Nghĩa về cơ bản đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến năm 2015 thì 3 xã còn lại sẽ hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM, thời gian đầu, hầu hết các xã trong thành phố chỉ đạt 5- 7/19 tiêu chí xây dựng NTM, đến nay các xã đều đã đạt từ 6- 11 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, thành phố đã tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng bằng và cao hơn tiêu chí quy định; hệ thống các công trình hạ tầng của các xã từng bước được xây dựng đồng bộ hóa, bảo đảm yêu cầu phát triển đô thị bền vững; các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường; chất thải, nước thải phải được thu gom và xử lý theo quy định, 100% số cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn về môi trường, tăng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đô thị; các xã cần chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phù hợp với mặt bằng dân trí và mức sống của người dân thành thị. Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp lên tối thiểu 65% tổng số lao động nhằm nâng cao thu nhập cho người dân... Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và sự cố gắng của các địa phương, đến nay chương trình xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị ở các xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đó là: 5/5 xã đã lập xong đồ án và đề án quy hoạch xây dựng NTM; từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đầu tư và huy động được trên 110,770 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, trên 4 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp; tính riêng năm 2012, các xã đã tiến hành xây dựng được hơn 9 km đường giao thông nông thôn với kinh phí 12,449 tỷ đồng, trong đó nhiều tuyến đường có mặt đường rộng từ 5m trở lên; các xã duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, dạy nghề đạt 90% (riêng xã Bảo Khê và Trung Nghĩa đạt 100%); 5/5 xã có 70% số thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch; 3/5 xã đạt chuẩn về tiêu chí y tế; trên 80% số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…
Là cửa ngõ của thành phố Hưng Yên, có quốc lộ 38B chạy qua, Trung Nghĩa được chọn là một trong 2 xã điểm xây dựng NTM của thành phố. Đến thời điểm này xã Trung Nghĩa đã hoàn thành 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Ông Trần Đăng Khơi, Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho biết: “Với lợi thế là một xã nằm ven thành phố nên việc xây dựng NTM ở đây có nhiều thuận lợi và nhiều nét khác so với các địa phương khác. Chúng tôi xác định xây dựng NTM không chỉ đúng với các tiêu chí quy định mà còn phải phù hợp với tốc độ đô thị hóa của thành phố, phấn đấu đến năm 2015 nâng cấp xã lên phường. Vì thế đường giao thông liên xã, các công trình công cộng cũng như mức sống, thu nhập của người dân đều được xã đặt mục tiêu thực hiện cao hơn so với 19 tiêu chí. Trong năm 2012, xã đã cứng hóa được 2,3 km đường giao thông nông thôn, trong đó 2 km có mặt đường rộng 5,5 m; tu sửa, xây mới nhà ăn bán trú cho học sinh của trường tiểu học; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm… Dự kiến trong năm 2013 này, xã sẽ tiếp tục tu sửa, hoàn thiện các hạng mục công trình trường THCS theo chuẩn quốc gia; cứng hóa 2,6 km đường giao thông nông thôn với mặt đường rộng 5m; xây dựng 3 nhà văn hóa của 3 thôn; phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của người dân lên 23- 25 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…”.
Tuy nhiên, việc xây dựng NTM gắn với đô thị hóa ở các xã trong thành phố hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến cho việc vận động người dân hiến đất để xây dựng đường giao thông cũng như các công trình công cộng gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn các xã, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã có những bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn tới 70% dân số sống bằng nông nghiệp nên thu nhập và mức sống của người dân chưa cao; đến nay 5/5 xã chưa đạt tiêu chí vệ sinh môi trường. Để đạt được mục tiêu 5/5 xã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015, phấn đấu đưa thành phố trở thành đô thị loại II, trước mắt, thành phố chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển kinh tế nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời chuyển đổi đất nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, kết hợp áp dụng cơ giới hoá vào các khâu sản xuất để nâng cao giá trị, năng suất; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút ngành nghề mới để giảm bớt lao động trong nông nghiệp…
Hương Giang (baohungyen.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã