Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với việc mở rộng thị trường, các mặt hàng nông sản sẽ chịu áp lực cạnh tranh khá lớn. “Nếu không tổ chức sản xuất tốt thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, vì công nghệ của họ tốt hơn, quản trị thị trường tốt hơn, kỹ năng thị trường tốt hơn chúng ta,…” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhận định một trong những khâu yếu của ngành nông sản Việt Nam hiện nay là chế biến sản phẩm và tổ chức thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông sản Việt Nam sẽ khó hội nhập nếu như không giải quyết được những nút thắt này.
Nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn của ngành chế biến, Bộ trưởng mong muốn Đại sứ Dương Chí Dũng giúp khảo sát, nghiên cứu, làm việc với các Tập đoàn lớn về chế biến nông lâm thủy sản, phân phối sản phẩm của Thụy Sỹ nhằm giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua đó, giúp làm cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu, thúc đẩy mở thị trường, tổ chức thị trường, phân phối chuỗi sản phẩm.
Chỉ ra những khó khăn trong việc sản xuất giống chanh leo mới, đại diện Công ty cổ phần NaFoods Group cho biết, hiện nay, công ty đang gặp cạnh tranh từ trong và ngoài nước với các giống bị vi rút, vì vậy cần có bảo hộ cho doanh nghiệp về giống. Đồng thời, cần đầu tư dây chuyền phân loại đóng gói quả tươi, mở rộng 3 thị trường xuất khẩu hoa quả tươi gồm: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bà Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk cho rằng, khoa học quản trị và công nghệ cần đan xen với nhau mới tạo ra sản phẩm tốt. Để tạo sức cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cần ban hành quy chuẩn của sản phẩm và minh bạch các tiêu chí sản phẩm.../.
http://dangcongsan.vn/