Học tập đạo đức HCM

Thị trường tôm sẽ khởi sắc trở lại?

Thứ sáu - 15/06/2018 03:41
Hiện, ngành nuôi tôm đang đứng trước không ít khó khăn, nhất là giá tôm thẻ chân trắng đang sụt giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay. Liệu giá tôm có khởi sắc trở lại trong thời gian tới?
tr14.jpg
Thu hoạch tôm sú sạch ở trang trại của ông Võ Hồng Ngoãn tại Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN.

Giá tôm giảm mạnh

Theo thông tin từ Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT), sản lượng thu hoạch tôm nước lợ 5 tháng đầu năm 2018 đạt 195.748 tấn, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm sú là 85.655 tấn (giảm 4,9%) và sản lượng tôm thẻ chân trắng 110.093 tấn (tăng 27,8%) .

Đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, dù diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch tăng chủ yếu từ tôm thẻ chân trắng nhưng giá tôm loại này lại không ổn định. Từ tháng 5/2018, tôm thẻ chân trắng giảm giá khá mạnh tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Giá tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL hiện ở dưới giá thành, khiến nhiều người nuôi thua lỗ, phải “treo ao”. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg còn 70.000 đồng/kg; loại 60 con/kg còn hơn 75.000 đồng/kg và loại 40 con/kg giá 130.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ tiền công lao động và các chi phí về cải tạo ao hồ, xử lý môi trường nước, điện sản xuất…, người nuôi tôm rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện ngành nuôi tôm đang đứng trước không ít khó khăn, nhất là giá tôm thẻ chân trắng đang sụt giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tôm đang gặp nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, công tác dự báo thị trường chưa kịp thời, hiện tượng bơm chích tạp chất vào tôm chưa được xử lý triệt để.

Lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản đánh giá, nguyên nhân sụt giảm giá một phần do sản lượng tôm thương phẩm của các nước đều tăng do được mùa, khiến nguồn cung tăng mạnh. Ngoài ra, do nhu cầu tại thị trường Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao, cùng với đó là một số bất ổn chính trị tại Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm.

Bên cạnh đó, do nguồn cung dồi dào, các nhà nhập khẩu nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá tôm, nên người dân có tâm lý bán tháo.

Đủ năng lực xuất khẩu tôm 10 tỷ USD

Mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025 được đưa ra tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam cuối năm 2017 chưa “nguội” nhưng hiện nếu không có tín hiệu tích cực từ phía xuất khẩu, thì nguy cơ người nuôi tôm “treo ao” hàng loạt dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu đang trở nên hiện hữu.

Bên cạnh nỗi lo về thiếu nguyên liệu các tháng cuối năm, các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng đang đau đầu đối phó với việc giá thành sản xuất trong nước cao hơn nhiều so với các đối thủ chính.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Ta (Sóc Trăng), cho hay, con tôm có giá trị cao nên được nhiều quốc gia quan tâm thúc đẩy phát triển. Đáng chú ý là Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, thậm chí Trung Quốc. Nổi bật là Ấn Độ với tham vọng sẽ đạt sản lượng tôm nuôi cao nhất thế giới trong vài năm tới.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Việt Nam khó cạnh tranh với Ấn Độ về giá bán vì giá thành nuôi tôm của Ấn Độ thấp hơn nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà Ấn Độ chưa có thế mạnh.

Hiện tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai trong các năm qua. Vì vậy, doanh nghiệp và người nuôi Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, cho biết, hiện nay, ngành tôm trên thế giới mỗi năm tăng trưởng 5-7%, riêng Việt Nam tăng hơn 10%.  

“Từ nay đến cuối năm, diễn biến ngành tôm hết sức thuận lợi, đặc biệt vào vụ nuôi chính. Trong tháng tới sẽ có tín hiệu tăng giá trở lại đối với con tôm. Lý do là, hiện nay các nước nuôi tôm trên thế giới đã qua vụ sản xuất, sản lượng tôm thu hoạch gần như sắp cạn, trong khi đó Việt Nam lại bắt đầu vào vụ. Năm nay, với sự quyết tâm cao, sự vào cuộc sát sao của Bộ Nông nghiệp và PTNT và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi tin nhất định ngành tôm sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Hoàng Anh kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, ngành tôm hoàn toàn đủ năng lực để chinh phục mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD. Điều cần làm hiện nay là phải có thêm các cơ chế cần thiết, phải tổ chức lại sản xuất. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang chỉ đạo làm rất quyết liệt vấn đề này. Thời gian tới, ngành sản xuất tôm sẽ quy củ hơn, theo chuỗi. Mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD có thể sớm đạt được nếu việc tái cấu trúc ngành tôm được thực hiện đồng bộ, bài bản.

Tín hiệu khả quan

Đánh giá về một số thị trường chính, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, ở thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ do họ giảm giá. Tại thị trường EU, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador, trong đó Ecuador lại có nhiều lợi thế hơn Việt Nam là đang hưởng ưu đãi thuế quan 0%.

Còn thị trường Nhật Bản, sau khi tăng trưởng 17% năm 2017, thì 4 tháng năm 2018 lại giảm 9%. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có sức tiêu thụ ổn định nhất, trong đó các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt thời gian tới.

Trong khi đó, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp  tôm của Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường chính truyền thống gặp khó khăn. Với Trung Quốc, do dân số đông, nhu cầu tiêu thụ đa dạng nên nhu cầu nhập khẩu sẽ ngày một tăng; tuy nhiên, thị trường này thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, hiện nay giá tôm chân trắng tại một số địa phương bắt đầu chững lại, dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Các nước Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số nước đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp, khả năng giảm nguồn cung trong quý III và quý IV/2018.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, vì vậy giá tôm sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8- 9/2018.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng, giá tôm nguyên liệu hiện tại khá thấp, sẽ kích thích tiêu dùng. Khi đó, người nuôi tôm tại một số quốc gia như: Ấn Độ, Indonesia,… bị thua lỗ và sẽ có xu hướng “treo ao” không nuôi tiếp. Từ giữa tháng 5/2018, đã có dấu hiệu khách hàng bắt đầu mua vào, sẽ là cơ hội cho tôm Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu tôm Việt

Trước việc giá tôm có sự “biến động” vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, người dân nuôi tôm cần ổn định sản xuất, không bán tôm cỡ (size) non, cần điều chỉnh về quy trình nuôi, thả tôm hợp lý,…

Bộ trưởng Xuân Cường cũng lưu ý, Tổng cục Thuỷ sản, các hiệp hội thủy sản phải làm tốt công tác dự tính, dự báo để khuyến cáo cho người nuôi tôm cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu như thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, thị trường tôm sẽ khởi sắc trở lại và các doanh nghiệp bắt đầu thu mua mạnh. Do đó, người nuôi tôm phải thật sự bình tĩnh, không nên hoang mang, dao động trước giá tôm sụt giảm như hiện nay mà bán tháo gây thua lỗ.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh phải tập trung quản lý, hướng dẫn nông dân nuôi tôm đảm bảo đúng quy trình, chất lượng, không có dư lượng kháng sinh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng nuôi bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo khâu liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn kết giữ người nuôi và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ phải vào cuộc cùng với các địa phương để mở rộng quy mô sản xuất, giúp người nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật cao trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để giải quyết những khó khăn về chế biến, hạ tầng vùng nuôi, điện phục vụ sản xuất, giá sản phẩm đầu ra, nhằm đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Theo nhiều chuyên gia ngành tôm trên thế giới, sau khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tại Thái Lan, Ấn Độ sẽ giảm thả nuôi, nguồn cung dự báo giảm. Sang quý III, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu “ấm lên” từ các thị trường nhập khẩu, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. Nhập khẩu tôm của các thị trường nhập khẩu chính cũng được dự báo sẽ tăng vào nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm như hiện nay, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống trong việc đưa ra giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài, bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…).

Theo: Thanh Tâm/kinhtenongthon.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập451
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm448
  • Hôm nay57,206
  • Tháng hiện tại762,319
  • Tổng lượt truy cập90,825,712
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây