Ông Đỗ Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ NN & PTNT) cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2015, Bộ NN & PTNT phải tổ chức cổ phần hóa (CPH) 12 doanh nghiệp (DN). Tính đến 30/12/2014, đã hoàn thành CPH 9 Tổng công ty (TCT). Trong 6 tháng đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa TCT Rau quả, nông sản; TCT Chè Việt Nam. Bộ đang chỉ đạo các DN này triển khai phương án bán cổ phần lần đầu. Hiện, đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của một số DN khác, phấn đấu quý IV/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.
Ngoài ra, trong quý IV/2015 sẽ phê duyệt giá trị DN đối với TCT Lương thực miền Nam và phê duyệt phương án cổ phần hóa trong quý I/2016. Như vậy, so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN & PTNT đã tiến hành cổ phần hóa sớm 2 tổng công ty: TCT Lâm nghiệp và TCT Lương thực miền Nam. Trong quý III/2015 Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án sắp xếp tổng thể đối với TCT Cà phê Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Công tác thoái vốn ở các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành và sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp cũng hết sức được quan tâm, thảo luận tại hội nghị. Đến 30/6/2015, các doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn theo sổ sách được 1.718 tỷ đồng, mới đạt 52% so với Quyết định số 916 và 34% so với kế hoạch thoái vốn các đơn vị đã đăng ký, giá trị thu về 1.825 tỷ đồng. Số vốn còn tiếp tục thoái là 3.308 tỷ đồng. Về sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, qua thẩm định phương án tổng thể mới có 21 trên tổng số 42 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ …
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của ngành NN & PTNT còn chậm, số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa, giá trị vốn nhà nước cần thoái trong 6 tháng cuối năm là khá nhiều, nếu không tập trung, quyết liệt thực hiện thì sẽ không hoàn thành được kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2015 cũng như kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015.
“Việc thoái vốn khỏi những ngành nghề kinh doanh không phải là ngành nghề chính còn gặp nhiều khó khăn, giá trị cổ phiếu đối với các DN trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, giá cổ phần chào bán còn thấp hơn mệnh giá, thậm chí khi chào bán cũng không có nhà đầu tư nào mua nên ảnh hưởng đến việc thoái vốn. Việc thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cũng gặp nhiều khó khăn” ông Nam nói.
Nhằm giải quyết những khó khăn nêu trên, trong tháng 6/2015, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 40 cho phép thoái vốn theo lô hoặc bán cho người lao động. Lô đó bán công khai, trong đó dành 70% (mức tối đa) bán cho người lao động nếu người lao động cam kết làm việc cho đơn vị đó lâu dài. Đây là hướng rất mới và mở của Chính phủ giúp các doanh nghiệp có thêm giải pháp giải quyết vấn đề thoái vốn.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh công tác thoái vốn cần gắn quá trình này với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng tham gia quản trị DN, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Đối với các DN đầu tư vào các DN khác làm ăn thua lỗ thì được phép thoái vốn với giá trị dưới sổ sách. Một số công ty con của các TCT lớn đầu tư 2-3 tỷ đồng vào các công ty khác, khi thoái vốn chào bán cổ phần không thu hút được nhà đầu tư thì được phép bán cho người lao động cam kết làm việc lâu dài cho đơn vị theo quy định pháp luật.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT nêu rõ: đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của ngành. Các đơn vị trong ngành nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nông, lâm trường quốc doanh. Trong quá trình triển khai phải thực hiện quyết liệt và bảo toàn vốn của Nhà nước.
Để đẩy mạnh quá tái cơ cấu DN nhà nước, Bộ NN & PTNT chủ trương từ nay cho đến hết năm 2015, sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (gồm 22 công ty), TCT Cà phê Việt Nam (gồm công ty mẹ và 26 công ty con); TCT Lương thực miền Bắc (gồm công ty mẹ và 2 công ty con) thực hiện phương án sắp xếp tổng thể và trình Thủ tướng phê duyệt. |
Nguyễn Hạnh
theo baocongthuong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã