Nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn cho nuôi tôm siêu thâm canh Ảnh: Trần Út
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên được Bộ NN&PTNT đánh giá cao vì đã góp phần đưa ngành nuôi tôm nước ta bắt kịp với công nghệ nuôi hiện đại trong khu vực, kiểm soát được môi trường, nguồn nước, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm; giảm thiểu rủi ro, cung ứng nguồn nguyên liệu sạch; truy xuất nguồn gốc từ tôm bố mẹ, giống, thức ăn…
Phát triển mạnh
Trước đây, mô hình nuôi tôm công nghiệp (ao đất) rất phổ biến và phát triển mạnh tại ĐBSCL. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, mô hình này đã bộc lộ những hạn chế như phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, dịch bệnh, rủi ro cao…
Thực tế tại nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cho thấy tình trạng “treo ao” vẫn diễn ra khắp nơi. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao lại phát triển mạnh. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc. Từ khi triển khai tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) vào năm 2015, đến nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với công nghệ tiên tiến phát triển mạnh tại vùng thủ phủ tôm ĐBSCL như quy trình nuôi TTCT của Tập đoàn C.P. Việt Nam, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2 giai đoạn (áp dụng công nghệ Biofloc) của Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh (tỉnh Bạc Liêu). Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại MTV Việt Mỹ (tỉnh Cà Mau), sau nhiều năm nghiên cứu cũng đưa ra quy trình nuôi tôm “tuần hoàn nước khép kín”… Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc đạt hiệu quả cao...
Theo nhiều chuyên gia mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi người nuôi phải có trình độ kỹ thuật cao, lượng điện tiêu thụ nhiều, chi phí đầu tư ban đầu lớn… song siêu lợi nhuận.
Theo UBND Bạc Liêu, đối với mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh thì tổng doanh thu đạt 710 triệu đồng/ha, tổng chi phí 378 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 332 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất bình quân 106.000 đồng/kg, tỷ lệ có lãi khoảng 30%, hòa vốn 40%, lỗ vốn 30%. Còn với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sẽ có tổng doanh thu 2,7 tỷ đồng/ha/vụ, tổng chi phí khoảng 2,1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha/vụ, giá thành sản xuất bình quân 70.000 đồng/kg.
Khắc phục hạn chế
Sức hấp dẫn từ lợi nhuận mang lại khiến mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại nhiều tỉnh nhanh chóng phát triển. Đáng ngại, nhiều hộ tự đầu tư thực hiện không theo đúng kỹ thuật của ngành chuyên môn.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của ngành mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần được thực hiện nghiêm về quy trình kỹ thuật. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sẽ có được nhiều ưu thế về tính an toàn, môi trường nước ít bị ô nhiễm nhưng không thực hiện đúng về hệ thống ao và quy trình trình kỹ thuật thì hậu quả ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh cao gấp nhiều lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh như từ trước đến nay.
Ông Thái Minh Thức, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, cho biết: “Để áp dụng thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, yếu tố quan trọng nhất là người nuôi phải nắm vững và tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật. Thực tế tham quan nhiều nơi cho thấy, một số hộ vì kinh phí hoặc lợi nhuận đã không tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, chưa quan tâm đúng mức việc xử lý nước thải, thậm chí có hộ không có ao xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường. Điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về dịch bệnh sau này”.
Hình thành chuỗi liên kết
Để phát triển rộng mô hình này đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân để chia sẻ công nghệ nuôi tôm. Tại Cà Mau, Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại MTV Việt Mỹ đã tiên phong liên kết với nhiều nông dân triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình “tuần hoàn nước khép kín” (nước trước khi lấy vào ao nuôi đã được xử lý vi sinh đạt các thông số kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, nguồn nước được đưa trở ra hệ thống ao lắng, ao lọc và xử lý triệt để rồi mới đưa trở lại vào ao cấp, ao nuôi). Tùy theo điều kiện của người nuôi mà công ty liên kết đầu vào một phần hoặc toàn phần, từ vật tư trang bị ao nuôi, vi sinh xử lý nước, con giống, thức ăn, kể cả việc thu mua tôm nguyên liệu khi thu hoạch…
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kết luận: “Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát huy ưu điểm, hỗ trợ khắc phục hạn chế của mô hình liên kết đang được doanh nghiệp triển khai thực hiện như các công ty Việt Mỹ, Thanh Đoàn, Chánh Diện… để tiếp tục nhân rộng, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế sản xuất của người dân”. Ông Hải cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vận động các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tôm giống, thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm có uy tín; người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản xuất tham gia xây dựng các mô hình liên kết chuỗi trong ngành tôm.
Hiện ngành chức năng tập trung thực hiện nhiều giải pháp và đẩy nhanh việc triển khai các quy hoạch nuôi tôm siêu thâm canh tập trung, khuyến khích mô hình liên kết trong nuôi tôm nhằm phát huy hiệu quả cao nhất hình thức nuôi tôm siêu thâm canh theo hướng ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã