Có mặt tại Đông Ngạc, chúng tôi được chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ về mọi phương diện: đường làng ngõ xóm sạch sẽ, rộng mở; trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… được xây dựng khang trang, đồng bộ; khắp nơi đều thấy cây cối xanh tươi… Sau 3 năm triển khai XDNTM, Đông Ngạc đã gắn với hình ảnh vùng đất ven đô phát triển toàn diện, trở thành điểm sáng để các địa phương khác tham quan, học tập.
Khách quan mà nói, việc thực hiện XDNTM ở Đông Ngạc có điểm xuất phát khá tốt, với 84,2% tiêu chí đã đạt chuẩn, tuy nhiên, qua khảo sát, địa phương vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, cơ sở vật chất, văn hóa và trường học.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Quy hoạch là khâu then chốt để tạo nên diện mạo NTM nên xã đã bám sát quy hoạch của Trung ương, thành phố để thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó, Đông Ngạc đặc biệt chú ý đến quy hoạch đường giao thông, kênh mương thoát nước, định hướng khu dân cư, xác định rõ nơi nào là khu đô thị, khu thương mại, khu giãn dân, đâu là khu vui chơi, nhà trẻ, trạm y tế, trường học...
Từ năm 2011 - 2012, bên cạnh việc XDNTM, Đông Ngạc cũng tích cực đẩy mạnh thực hiện Chương trình 02/CTr - TU của Thành ủy Hà Nội về XDNTM, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Để triển khai tốt các nhiệm vụ này, xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền.
“Chúng tôi thường xuyên có các bài tuyên truyền về XDNTM trên hệ thống đài truyền thanh xã, tuyên truyền trong các hội nghị của Đảng ủy, UBND xã, trong các buổi họp dân ở các thôn, tổ dân phố, nhờ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Đặc biệt, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền cơ chế do dân làm chủ, dân hưởng để bà con phối hợp cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt và tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã hoàn thành”, ông Chiến nói.
Tại Đông Ngạc, ngoài những yếu tố thuận lợi đã có như là xã ven đô, kinh tế phát triển, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, còn phải kể đến sự vào cuộc của tất cả cán bộ xã, thôn và nhân dân địa phương trong việc triển khai xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư. Tính từ năm 2010 đến nay, xã đã đầu tư gần 249 tỷ đồng (vượt 199% kế hoạch) để XDNTM, trong đó người dân và các tổ chức đóng góp khoảng 177 tỷ đồng (chiếm 70%).
Riêng ở thôn Đông Ngạc, người dân đã đóng góp được hơn 400 triệu đồng để tu bổ cổng làng cổ, làm con đường hoa; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tài trợ 3,5 tỷ đồng thực hiện công trình nhà văn hóa tại xóm 1B và đầu tư 6 tỷ đồng để xây thêm một dãy nhà 2 tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị hiện đại cho trạm y tế xã. Ngoài ra, xã còn vận động người dân đóng góp được 4,29 tỷ đồng để nâng cấp 4,3km đường, lắp 538 bóng đèn chiếu sáng; nâng cấp 4,322km đường ngõ thuộc các tổ dân phố số 6, 7, 8 với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
Từ những con số trên có thể thấy, Đông Ngạc đã có được những bài học kinh nghiệm đáng ghi nhận, đó là công tác vận động quần chúng, phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở.
Cùng với hoàn thiện hệ thống hạ tầng, Đông Ngạc cũng khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình dịch vụ, đặc biệt là phát triển kinh doanh nhà ở, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Trong nông nghiệp, xã cũng vận động nhân dân tích cực chyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế.
Sự thay đổi trên đã mang lại diện mạo mới cho Đông Ngạc, nhưng vẫn không làm mất đi những vẻ đẹp cổ kính mà ngàn xưa để lại. Trước đây, Đông Ngạc được biết đến với tên cổ là Kẻ Vẽ, nơi có mái đình 500 năm tuổi và hiện vẫn đang lưu giữ được 35 ngôi nhà cổ, cũng như những con đường lát bằng gạch nung, xếp nghiêng chắc chắn…
Về Đông Ngạc, chúng tôi không chỉ cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của nơi này, mà còn thấy những hồn cốt, truyền thống văn hóa lâu đời đang cùng hòa quyện trong dòng chảy mới của thời đại…
Nhóm PV. (kinhtenonghton.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã