Cần phải có chính sách hỗ trợ thí điểm về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp sạch.
Đầu tư cho nông dân
Thực tiễn sản xuất trong ngành nông nghiệp cho thấy đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thủ công trong khi bối cảnh hội nhập buộc nông nghiệp phải được hiện đại hóa và cơ giới hóa.
Do vậy tái cơ cấu không phải là thay đổi giải pháp kỹ thuật mà rất cần sự hỗ trợ trong chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại, đất đai, lao động.
Ông Phạm Đình Thắng, đại diện cho 400 hộ trồng, chế biến chăm sóc cây dong riềng đến từ Hàm Yên-Tuyên Quang đã thẳng thắn nói rằng, đầu tư cho nông dân không rủi ro, vì vụ này không trả được vụ sau nông dân sẽ trả lại đồng vốn cho ngân hàng. Bản thân doanh nghiệp rất cần nguồn vốn dài hạn để tập trung thu mua sản xuất.
Ông Thắng dẫn chứng ngay bằng chính công ty ông đang làm chủ: Hiện chúng tôi có 2.000 lao động, cần có vốn để thu mua dong riềng cho đầu vào sản xuất miến.
Nhưng việc tiếp cận vốn rất khó khăn, để thế chấp đất đai buộc phải có bìa đỏ, song giá trị đất rất rẻ. Trong khi đó nhà xưởng, máy móc giá trị cao hơn đạt vài tỷ nhưng chính sách không có cho thế chấp nhà xưởng, máy móc. Ông Thắng nói: “rất mong có các giải pháp tiếp cận nguồn vốn dễ hơn”.
Đại diện một doanh nghiệp khác, ông Phạm Thanh Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Ba Huân chia sẻ thực tế buồn, nhiều người muốn sản xuất sạch nhưng hoặc dừng bước hoặc nhắm mắt làm ngơ bởi vì không thể chịu nổi khi nguồn vốn là ngoài tầm với. Nào là thiết bị, nào là quy trình, nguồn nguyên liệu... sẽ thực sự khó khăn nếu doanh nghiệp phải gồng gánh mọi yêu cầu.
“Theo tôi, thời gian tới cần phải có chính sách hỗ trợ thí điểm về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp sạch, đó không chỉ thể hiện mối quan tâm với ngành nông nghiệp mà con là xu hướng để có chất lượng cuộc sống tốt đẹp nhất cho cộng đồng” – Ông Huân đề xuất.
Ông Lê Quang Thành – Tổng giám đốc Công ty Thái Dương là chủ Công ty có 2 nhà máy thức ăn gia súc, có 8.000 con heo nái, có 7 trại giống, liên kết 20 trạm ở các tỉnh để sản xuất và cung cấp giống so sánh việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khó khăn.
Cụ thể ở các nước cho vay chăn nuôi 30 năm, còn Việt Nam chỉ vay 3 năm và nhiều là 7 năm thì không thể nào có đủ tiền trả cho ngân hàng.
Có doanh nghiệp đầu tư dự án này để vay vốn đầu tư dự án khác để lấy tiền đầu tư. Thủ tục pháp lý vay vốn quá nhiều, ví dụ tài sản đó phải có giao dịch đảm bảo.
Muốn chứng minh tài sản đảm bảo thì quá nhiều giấy tờ. Để có 1 đồng vốn cần có 200 đồng vốn đảm bảo. Để vay 100 đồng vốn lưu động cần có 500 đồng vốn tài sản bảo đảm. Do vậy thủ tục cần thông thoáng hơn.
Cải cách thủ tục vay vốn
Số liệu cập nhật mới nhất cho biết, đến 30-9-2016, Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu so với quy mô ngành nông nghiệp, nguồn vốn cho vay còn thấp. Để đưa vốn đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn là một bài toán khó.
TS Phùng Giang Hải - Trưởng bộ môn Nghiên cứu Thể chế nông thôn, Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, trong chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn thì cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đảm bảo tính hiệu quả chính sách cho vay cũng như là hình thức cho vay.
Bên cạnh đó cần cải cách các thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp tài sản đảm bảo, khơi thông nguồn vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện để doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận các chương trình tín dụng, các chính sách ưu đãi.
Cần hoàn thiện các chính sách cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phân định rạch ròi trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức tín dụng, bên vay khi rủi ro xảy ra thì phải có cơ chế xử lý nhanh.
TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội nói, mỗi khi mất mùa, phải ứng trước sổ đỏ đặt vào ngân hàng. Vấn đề ở đây là phải có sự chia sẻ, đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Nếu không đưa tư duy sản xuất lớn, sản xuất công nghiệp và sản xuất công nghiệp thì sẽ không thể thành công được tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ có những thay đổi đối với tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương.
Tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Riêng với việc cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này.
Theo: Thuy Hằng/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã