Học tập đạo đức HCM

Tiềm năng lớn để Việt Nam là thủ phủ tôm thế giới

Thứ năm - 09/02/2017 02:49
VOV.VN-Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu ở nhiều vùng rất phù hợp để nuôi tôm, và thị trường cũng rộng, Việt Nam quyết trở thành thủ phủ tôm của thế giới.

Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức ngày 6/2 tại thành phố Cà Mau do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã quy tụ nhiều bộ, ngành, các doanh nghiệp, tìm lời giải tăng kim ngạch xuất khẩu tôm và Việt Nam phải có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới.

Tiềm năng lớn

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu ở các vùng biển nước ta, đặc biệt là vùng ĐBSCL rất phù hợp để nuôi tôm. Dự kiến xâm nhập mặn và nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, từ đó chúng ta có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm.

nhieu tiem nang de viet nam la thu phu tom the gioi hinh 1
Việt Nam đang nỗ lực để có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới. (ảnh minh họa: KT)

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới về tôm là rất lớn. Thực tế chưa có đối tượng nuôi nào mang lại giá trị cao như con tôm, trong khi thời gian nuôi ngắn. Ví như tôm thẻ chân trắng, nếu nuôi tốt chỉ mất 60 - 65 ngày/lứa. “Nền tảng chuẩn bị cho phát triển công nghiệp tôm đã có sẵn. Tiềm năng phát triển con tôm rất lớn, không chỉ dừng lại 3 tỷ USD xuất khẩu và diện tích nuôi 700 nghìn héc-ta, mà có thể tăng lên nhiều, nhưng cần có sự quyết tâm từ Chính phủ đến người nuôi” - ông Cường nói.

Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong năm 2016, cả nước đã xuất khẩu gần 660.000 tấn tôm đi hơn 90 thị trường trên thế giới, kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Thực tế, diện tích thả nuôi tôm liên tục tăng, hiện đạt gần 700.000ha, trong đó diện tích tôm sú khoảng 600.400ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… có thể hình thành vùng nuôi tôm trọng điểm.

Phải là thủ phủ tôm thế giới

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, con tôm đã lớn lên cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước. Con tôm sú là lợi thế của Việt Nam, cần đặt mục tiêu phát triển cao hơn, chất lượng hơn. “Biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng là lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành tôm. Thị trường tôm rất lớn, thế giới có 7 tỷ người thì ai cũng có nhu cầu dùng tôm. Vì vậy, phải có quyết tâm và giải pháp đồng bộ để phát triển ngành tôm, mang lại giá trị lớn cho người nuôi tôm... Chúng ta phải có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới, ngành tôm phải đạt 10% GDP quốc gia…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đặt ra mục tiêu cho ngành tôm Việt Nam là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD.

Thủ tướng yêu cầu Việt Nam, trước hết là ĐBSCL phải là thủ phủ tôm của thế giới, phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm.

 

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phải trình Chính phủ chương trình hành động phát triển ngành tôm Việt Nam. Bộ Công Thương tổ chức thông tin thị trường, đấu tranh tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Bộ KH&ĐT nghiên cứu các nguồn vốn, kể cả vốn ODA, nhanh chóng thẩm định các dự án để phát triển ngành tôm.

Bộ Tài chính phối hợp Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản. NHNN nghiên cứu cơ chế cho người nuôi tôm vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng ao đầm nuôi tôm. Điện lực phải chủ động đủ nguồn lực cung cấp điện cho nuôi tôm. Bộ Công an và Bộ NN&PTNT kiểm soát lưu thông con giống, thú y thủy sản, ngăn chặn hiệu quả tình trạng bơm chích tạp chất...

Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) nhận định, khả năng đến năm 2025 tập đoàn sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu tôm vào khoảng 2 tỷ USD. Theo ông Quang, việc thay đổi tư duy trong sản xuất tôm, xây dựng thương hiệu, công nghệ… là tiền đề, cơ sở để tập đoàn có thể đạt được mục tiêu trên. 

Tuyên chiến với hành vi làm “bẩn” tôm

Việc chích, bơm tạp chất vào tôm là vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng tới hình ảnh con tôm Việt Nam. Bởi thế, nếu không dẹp được vấn nạn này thì ngành tôm khó phát triển bền vững.

Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu phải có chế tài thích đáng đối với hiện tượng bơm các tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính. “Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trước quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, nhiều đại biểu tham dự hội nghị đã bày tỏ ý kiến đồng tình và kiến nghị cách làm mới với việc cần thiết làm rõ trách nhiệm xuống tận cấp cơ sở.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho hay, tỉnh đã quyết liệt xử lý tình trạng chích tạp chất vào tôm trong thời gian qua và đã xử lý được nhiều trường hợp. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra việc bơm chích tạp chất vào tôm kể cả về thời lượng và tăng kiểm tra đột xuất, đưa việc này trở thành thường xuyên hơn theo hướng “tìm để diệt”.

 

Còn ông Trần Ngọc Nhuận, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, đơn vị này đang làm đề án ngăn chặn bơm tạp chất đối với tôm nguyên liệu để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đề án phân công rõ ngành công an sẽ làm gì, trách nhiệm của các ngành như công thương, NN&PTNT và từng thành viên của các ngành, các huyện...

Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết, trong năm 2016 đã phối hợp với Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86, Bộ Công an) tổ chức thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất một số cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tại Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả đã phát hiện, bắt quả tang đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại hai tụ điểm ở Bạc Liêu, một tụ điểm và hai doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau.

Cục này cho biết, trong năm 2017 sẽ kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, thực hiện đúng khẩu hiệu “nói không với tạp chất”./.

Nhóm phóng viên/Báo TNVN
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập189
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm188
  • Hôm nay59,662
  • Tháng hiện tại856,360
  • Tổng lượt truy cập90,919,753
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây