Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.
Trước ý kiến của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại Đại hội XII của Đảng, bây giờ không ai muốn làm nông dân, nông thôn và nông dân thành sân sau của công nghiệp, của doanh nghiệp nhưng lại không được hưởng lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, thời gian qua, thu nhập và cuộc sống của nông dân được cải thiện, nhưng sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng miền.
Vùng núi cao, đồng bào dân tộc được cải thiện nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn rất cao, có nơi 30% hoặc hơn. Sự cải thiện về thu nhập và mức sống của nông dân so với mức chung bình quân của cả nước, nhất là vùng đô thị, phát triển thì khoảng cách giãn ra, cải thiện chậm hơn.
Thực tế, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, trong đó có tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình song hành và đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tái cơ cấu giúp nền nông nghiệp phát triển nhanh hơn, tốt hơn.
Với câu hỏi, nhiều ưu đãi, nhưng người nông dân bỏ quê ra tỉnh rất nhiều. Suy nghĩ của Bộ trưởng và tham mưu cho Đảng, Nhà nước để giải quyết tình trạng này? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng có 2 vấn đề.
Thứ nhất, việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Nhật chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ cũng chỉ khoảng 2 triệu nông dân. Việt Nam có 23 triệu người làm trong nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam chỉ có khoảng 20,5 triệu nông dân, trong đó Mexico 13,5 triệu.
Thứ 2, nông thôn được đô thị hóa cũng là xu hướng tất yếu. Việt Nam đi lên công nghiệp hóa- hiện đại hóa, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ. Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai... nông nghiệp chỉ còn 5-7%. Nhưng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ; vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm nơi khác với nhiều rủi ro. Họ có thu nhập cao hơn nhưng tại sao họ không có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình?
“Đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở”- Bộ trưởng nói. Vì thế, tất yếu phải tiếp tục phát triển ở ngay khu vực nông thôn nhanh và mạnh hơn. Người không rời nông thôn vẫn có việc làm và đời sống tốt hơn. Nông nghiệp cần phát triển mạnh hơn và hiệu quả hơn. Phải có chính sách phát triển công nghiệp và dịch vụ ở ngay vùng nông thôn, không phải lên các đô thị để tìm việc phi nông nghiệp. Phải tiếp tục chương trình nông thôn mới để cải thiện điều kiện sống cho người dân.
Bình luận về việc triển khai nông thôn mới, người nông dân, đối tượng đáng ra cần được hỗ trợ, tiếp sức thì lại phải góp sức, góp của cùng nhà nước phát triển hạ tầng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, với Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cứ 5 năm ngân sách tăng gấp đôi. 5 năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có quyết sách thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì nguồn lực vẫn hạn chế, thấp so với yêu cầu. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, chính quyền và các cấp ủy đứng ra tổ chức người dân, bàn bạc và thống nhất đóng góp để thực hiện nhanh hơn, đáp ứng mong đợi. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đóng góp của nhân dân là dân chủ, do dân bàn và quyết định, không được gượng ép, gây khó cho nông dân.
Trước việc chỉ có khoảng 1% các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp FDI cũng chỉ 3%, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chúng ta cố gắng huy động nguồn lực từ ngân sách, quan trọng hơn, tiếp tục đổi mới chính sách, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn, nhất là doanh nghiệp trong nước. Đây là điểm mới then chốt trong nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với hỗ trợ cho nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn.
Với việc tăng sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng cần xem xét 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Trong cơ chế thị trường, hội nhập, muốn cạnh tranh cần phát triển sản phẩm lợi thế của Việt Nam, tận dụng điều kiện khí hậu, địa lý, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, truyền thống sản xuất.
Tuy nhiên, không chỉ dựa điều kiện tự nhiên, sức dân mà phải tiếp sức cho dân để làm sản phẩm lợi thế ấy với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn. Những sản phẩm đó bao gồm: lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra... Trên thực tế, những sản phẩm đó có khả năng cạnh tranh khá cao trên trường quốc tế.
Việt Nam tuy không lớn nhưng sản phẩm chiếm vị trí cao. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh để ngành lúa gạo, ngành có lợi thế phát triển bền vững, có hiệu quả cao hơn, mang lợi ích lớn hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã