Sau 3 năm thực hiện chương trình (2011-2013), Cao Bằng đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (phát triển giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, điện sinh hoạt nông thôn được đầu tư cơ bản...); nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội...
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều khó khăn do xuất phát điểm của địa phương thấp, khó vận động khả năng đóng góp của người dân để thực hiện đạt 19/19 tiêu chí; sản xuất hàng hoá chậm phát triển, mô hình hợp tác xã, kinh tế trang trại chưa phát triển; việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí ở nhiều cơ sở còn sơ sài, chưa chính xác; nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho thực hiện chương trình còn hạn chế, trong khi tỉnh chưa bố trí được ngân sách địa phương cho chương trình...
Trong dịp này, các thành viên Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh Cao Bằng đã có một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Ban chỉ đạo T.Ư như cho phép các thị trấn thuộc các tỉnh miền núi được thực hiện chương trình, nhất là công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới; hướng dẫn một số chỉ tiêu thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá phù hợp với điều kiện miền núi; bố trí vốn thực hiện cắm mốc quy hoạch, mốc chỉ giới các công trình xây dựng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, thành viên Ban chỉ đạo T.Ư chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh Cao Bằng đã làm tốt công tác chuẩn bị và trao đổi thẳng thắn các vấn đề, nhất là trong việc làm thay đổi người dân trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh Cao Bằng tập trung một số nội dung như quan tâm tăng cường chỉ đạo thi đua công tác tuyên truyền gắn với trách nhiệm thi đua hàng năm, gắn với thi đua từng ngành để người dân hiểu được họ là chủ thể của XDNTM; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nông thôn mới phù hợp ở cấp huyện, cấp xã qua đó đó tuyên truyền nhân rộng các mô hình rà soát nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cấp huyện, cấp xã để thời gian tới làm tốt công tác quản lý quy hoạch; kết nối quy hoạch về giao thông, xây dựng, thủy lợi, quy hoạch bảo vệ môi trường; đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất phấn đấu mỗi xã có 1-2 đề phát triển kinh tế làm sao phát huy ngành hàng hóa sản phẩm trở thành thế mạnh của địa phương để qua đó có sự đào tạo nghề phù hợp cho người lao động.
Đặc biệt, cần tập trung triển khai mạnh mẽ khoa học công nghệ, thu hút người dân tham gia đưa ứng dụng KHKT vào phát triển sản xuất; tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể và liên kết hợp tác sản xuất nông nghiệp tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa. Tập trung đào tạo nghề phục vụ sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp nhu cầu xã hội và thực tiễn ở các địa phương...