Học tập đạo đức HCM

Tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới: Bài toán chưa có lời giải

Thứ năm - 15/01/2015 05:29
Bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một tổng thể thống nhất, bổ trợ cho nhau, để thực hiện tiêu chí này phải dựa vào kết quả của tiêu chí khác và ngược lại.
Bài toán khó
 
Bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một tổng thể thống nhất, bổ trợ cho nhau, để thực hiện tiêu chí này phải dựa vào kết quả của tiêu chí khác và ngược lại. Bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, vận động nhân dân hiến đất, mở đường... thì làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân là trăn trở của không ít chính quyền địa phương.

Tại xã Đồng Lương (Lang Chánh) mặc dù chính quyền và người dân đã có hướng để giảm nghèo nhưng do đặc thù của địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục tập quán cũng như trình độ nhận thức và sản xuất của người dân còn hạn chế nên mục tiêu nâng cao mức thu nhập cho người dân là điều rất khó thực hiện. Ông Lương Văn Sao, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã chỉ có trên 174ha trồng lúa nước, diện tích trồng cây lâm nghiệp ít lại không có cơ sở chế biến hay nhà máy nào hoạt động, trình độ sản xuất canh tác của người dân còn khá lạc hậu nên mức thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 8,5 triệu đồng/năm.

Tại xã Ban Công (Bá Thước) thu nhập bình quân đầu người cũng mới chỉ đạt 9,5 triệu đồng/năm. Theo ông Hà Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ban Công: Mặc dù chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn không ít người dân cho rằng đây là chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân là người hưởng lợi như các chương trình, dự án đầu tư cho miền núi trước đây nên không hợp tác tham gia. Hoặc còn một bộ phận người dân vẫn mang tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo. Bên cạnh đó, tình trạng chung của các huyện miền núi dẫn đến khó đạt tiêu chí về thu nhập đó chính là họ không có khu, cụm công nghiệp thu hút lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, nông sản hàng hóa đơn lẻ, thiếu thị trường, kỹ năng canh tác của bà con nông dân vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến năng suất cây trồng chưa cao...

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, thời gian qua điệp khúc “được mùa, mất giá”, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra... khiến thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Bên cạnh đó, đất đai nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo nên được những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn thì việc tăng thu nhập cho người dân dựa vào nông nghiệp là rất khó. Không nan giải như các huyện miền núi nhưng tại các xã điểm XDNTM của tỉnh như: Tượng Văn (Nông Cống), Quý Lộc (Yên Định), Minh Dân (Triệu Sơn)... mặc dù tiêu chí về thu nhập đã đạt so với bộ tiêu chí NTM, nhưng để giữ được “đà tăng” trong những năm tiếp theo là điều rất khó tại các địa phương này. Ví như, xã Tượng Văn là một xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, hiện mức thu nhập bình quân đạt 20,53 triệu đồng/người/năm. Nếu so với bộ tiêu chí NTM mới sửa đổi của Chính phủ áp dụng cho vùng Bắc Trung bộ (năm 2012: 13 triệu đồng/người/năm; năm 2015: 18 triệu đồng/người/năm; năm 2020: 35 triệu đồng/người/năm) thì mức thu nhập bình quân này đã đạt nhưng nếu tính đến tầm nhìn 2020 thì việc làm gì để nâng mức thu nhập của người dân lên 35 triệu đồng/người/năm là vấn đề không dễ. Ông Nguyễn Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Tượng Văn, cho biết: Hiện mức thu nhập bình quân đầu người tại xã cao hơn 2 triệu đồng so với bộ tiêu chí NTM. Tuy nhiên để đạt được tiêu chí là điều đã khó, giữ được tiêu chí lại càng khó hơn. Do Tượng Văn là một xã thuần nông với trên 50% đất sản xuất nông nghiệp, mỗi năm 3 vụ lúa, màu nên việc tăng thu nhập bình quân đến năm 2020 lên 35 triệu đồng/người là điều khó thực hiện do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Một thực tế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh là lao động nông thôn đang ngày càng bị “già hóa” do phần lớn con em nông thôn đi làm ăn xa. Số lao động nông nghiệp chủ yếu tuổi trung niên nên việc ứng dụng đổi mới công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bị hạn chế. Nhiều địa phương mở ra hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng để nông dân sống được với nghề được đào tạo không nhiều. Vì vậy mới xảy ra tình trạng một số địa phương trong tỉnh hướng dẫn nông dân học nghề sửa chữa nông cơ nhưng chỉ áp dụng để sửa máy cày lúc vào mùa vụ;  nghề thêu ren, đính cườm cũng chỉ tồn tại được một thời gian rồi “chết yểu” vì không tiêu thụ được sản phẩm...

XDNTM dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp, với việc tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn... là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đây sẽ là nhiệm vụ không hề dễ nếu những vấn đề nan giải nêu trên chưa tìm được biện pháp giải quyết, hoặc không có những chính sách, định hướng chiến lược đúng đắn và lâu dài.

Manh nha nhiều giải pháp

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối XDNTM, tính đến hết tháng 11-2014 toàn tỉnh có 55,3% số xã đạt tiêu chí thu nhập, trong đó có một số địa phương có nhiều xã đạt tiêu chí này, như: Hoằng Hóa 31 xã, Thiệu Hóa 26 xã, Nga Sơn 24 xã, Thọ Xuân 23 xã, Nông Cống 19 xã; một số địa phương không có xã nào đạt tiêu chí về thu nhập, như: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Mường Lát.

Do xác định là tiêu chí khó và quan trọng trong các tiêu chí XDNTM, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tập trung các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án nhằm tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, năm 2014 UBND tỉnh đã phân bổ 18.970 triệu đồng từ vốn sự nghiệp Trung ương để hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn cho các địa phương, bình quân mỗi xã 31,5 triệu đồng và giao cho các ngành, đoàn thể và các địa phương để xây dựng mô hình. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã tổ chức triển khai lập kế hoạch, phân bổ ngân sách cho các xã để triển khai thực hiện với các mô hình, như: cơ giới hóa đồng bộ, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề nông thôn với 3.698 hộ gia đình, chủ trang trại, gia trại và các hợp tác xã tham gia. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận được vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp.

Việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh gây ra; đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng hoa tại xã Quảng Tâm (TP Thanh Hóa), Yên Trường (Yên Định), Quảng Phong (Quảng Xương), thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha; mô hình trồng ớt xuất khẩu tại các xã: Xuân Lâm, Định Hải (Tĩnh Gia); Xuân Du (Như Thanh); Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc); Thọ Nguyên, Bắc Lương (Thọ Xuân), năng suất bình quân đạt 16 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt trên 60 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở Đông Khê (Đông Sơn) cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha. Nhìn chung các mô hình sản xuất được lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng với nội dung của chương trình XDNTM. Lấy phát triển sản xuất là gốc để nâng cao giá trị sản xuất và thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, nhờ đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, xóa dần các thói quen sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sản phẩm hàng hóa, tỉnh liên tục ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất như: gieo sạ lúa bằng giàn kéo tay, cơ giới hóa trong sản xuất thu hoạch, sử dụng phân viên nén dúi sâu; chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGap...

Phát hành nhiều tài liệu nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học cho nhân dân về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật sử dụng phân viên nén dúi sâu cho lúa, sản xuất rau, chè an toàn... Qua quá trình triển khai thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác của người dân, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó tạo nhiều mô hình liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, làm tăng hiệu quả, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo  từ 13,13% (năm 2013) xuống còn 10,06% (năm 2014).

Khi xây dựng chương trình này phương châm đặt ra là phải dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp, dùng đô thị tác động vào nông thôn, dùng công nhân, thương nhân, trí thức tác động vào nông dân, chứ không thể Nhà nước làm thay. Để đạt được tiêu chí thu nhập trong XDNTM, việc trước mắt là giúp người dân thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả, năng suất, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng các ngành, nghề cho người nông dân. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua yếu tố thị trường bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Việc song hành giải quyết hai vấn đề trên sẽ là giải pháp hữu hiệu cho bài toán nâng cao thu nhập cho người dân một cách ổn định, bền vững.
Theo baothanhhoa.vn
 Tags: tiêu chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập382
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm381
  • Hôm nay48,233
  • Tháng hiện tại753,346
  • Tổng lượt truy cập90,816,739
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây