Ngày 3/4 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nghe Bộ Công Thương trình bày về đề án này.
Đề án về kinh doanh nông sản đã đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh nông sản tại Việt Nam hiện nay và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh doanh nông sản tại Việt Nam thời gian qua. Bộ Công Thương đã đưa ra kết quả nghiên cứu những yêu cầu cơ bản từ thị trường, từ đó xác định những yêu cầu, đòi hỏi đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, sau khi được phê duyệt và triển khai đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp, Bộ đã ban hành khoảng 20 đề án liên quan để phục vụ việc tái cơ cấu. Các đề án này hướng đến xác định những cây, con chủ lực. Từ đó có những chính sách, chủ trương và khuyến nghị đến các địa phương, tạo cơ chế phát triển mạnh mẽ cho những cây, con chủ lực này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu lên vấn đề cốt lõi của tiêu thụ nông sản: “Hiện nay có một thực tế là nếu đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để cho ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị thì người đầu tư cũng không biết bán cho ai. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chưa thực sự biết được các địa chỉ tin cậy để mua những sản phẩm này. Cung và cầu đang bị gián đoạn bởi đội ngũ thương lái. Cần tổ chức lại từ sản xuất đến thị trường”.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu đề án theo hướng tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Đồng thời đề án này cần gắn bó mật thiết với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định đây là đề án khó nhưng rất có giá trị, vì vậy đòi hỏi cần tập trung tư duy của các Bộ liên quan.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt để hoàn thiện đề án này, cần tập trung cho 4 nhóm nông sản là gạo, rau quả, chăn nuôi và thủy sản. Đây là những nhóm ngành hàng gặp nhiều rủi ro do các biến động của thị trường. Những hàng nông sản này có chất lượng chưa cao do chưa có hàm lượng chế biến sâu.
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng có xu hướng đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn. Đây chính là cơ hội để hoàn thiện việc tái cơ cấu nông nghiệp cũng như chuyển dịch nền nông nghiệp tiểu nông thành một nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao, có tên tuổi trên thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã