Đầu tư thấp, thiếu đồng bộ
“Mức đầu tư cho vùng ĐBSCL còn thấp, đặc biệt là vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng chưa cao so với tổng đầu tư toàn xã hội. Công nghệ chế biến còn khá lạc hậu, giá thành nông sản còn cao, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất còn thấp; tỷ lệ hao hụt, thất thoát sau thu hoạch còn lớn. Ngoài ra, hệ thống cơ chế, chính sách trong nông nghiệp còn bất cập đã ảnh hưởng đến sức hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực này”, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) nhận định. Thực tế, nông dân ĐBSCL đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đồng bộ, khó kết nối với thị trường trong và ngoài nước... Hệ thống giao thông ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Thông tin về thị trường hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân, khó tạo điều kiện liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nguồn lực lao động trong nông thôn đang có xu hướng giảm, một bộ phận không nhỏ lao động trẻ ở nông thôn rời bỏ ruộng vườn ra thành thị, gia nhập đội ngũ lao động phổ thông di dân đến làm việc tại các thành phố lớn ngày càng tăng.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do những cơ chế, chính sách nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng của vùng ĐBSCL còn thiếu và chưa đồng bộ; có mặt chưa phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của vùng; sự phối hợp của các bộ, ngành, Trung ương thiếu chặt chẽ trong sự liên kết vùng và liên ngành. Sản xuất nông nghiệp thiếu kết nối chặt chẽ với thị trường, đầu ra nông sản thường bị khó khăn.
Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp giúp nông dân làm giàu. Ảnh: CAO PHONG
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, chuyên gia nông nghiệp, đã chỉ ra cụ thể những yếu kém mang tính “hạ tầng” trong sản xuất lúa gạo: Hệ thống máy móc thiết bị sau thu hoạch như máy sấy, kho tàng dùng bảo quản tồn trữ, chế biến lương thực còn nhiều bất cập chưa đảm bảo yêu cầu, tổn thất khâu thu hoạch và sau thu hoạch lúa còn rất cao. Các phụ phẩm trong sản xuất lúa như rơm, trấu,… chưa tận dụng hết, còn lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam đã tham gia xuất khẩu gạo trên 20 năm, hệ thống kinh doanh lương thực đã được xã hội hóa nhưng hiệu quả chưa cao, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu nên giá trị, sức cạnh tranh thấp. Trong khi đó, nhiều loại trái cây đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) với mục tiêu hướng tới thị trường xuất khẩu nhưng hiện nay chỉ bán được trong nước.
Ông Trần Văn Tây, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Bưởi năm roi Mỹ Hòa, than: “Vào tháng 10-2014, thị trường Nga hợp đồng 200 tấn bưởi/tháng với giá 26.000 đồng/kg nhưng HTX đành từ chối vì không đủ số lượng để giao. Với hơn 26ha bưởi thì mỗi vụ chỉ cho vài chục tấn nên HTX không dám ký hợp đồng với đối tác, sợ không có hàng giao thì phải đền. HTX Bưởi năm roi Mỹ Hòa hình thành đã gần 9 năm qua nhưng luôn trong tình trạng thiếu vốn, trình độ xã viên còn yếu. Hơn 1 năm qua, bưởi đạt chứng nhận GlobalGAP chỉ bán trong nước”, ông Tây ngậm ngùi…
Rời rạc các mắt xích
Liên kết bốn nhà là chủ trương đã triển khai hơn 10 năm qua, nhưng đến giờ các khâu trong liên kết vẫn rất rời rạc. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất là một trong các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra ổn định hơn. Tới nay, mô hình này đang được áp dụng phổ biến trong một số lĩnh vực như chăn nuôi bò sữa, trồng và chế biến mía. Mô hình cánh đồng lớn được áp dụng ở 43 tỉnh thành trên diện tích khoảng 400.000ha.
Tuy vậy, các mô hình liên kết còn ít. Nguyên nhân chính là do tâm lý làm ăn tự phát còn phổ biến; thiếu sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu và năng lực để liên kết còn ít; một số chính sách chưa phù hợp, chậm đi vào cuộc sống. Thực tế, doanh nghiệp và nông dân vốn là hai mắt xích chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là “đầu tàu”, là động cơ, giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân. Còn nông dân là lực lượng sản xuất, cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, hai mắt xích này hoạt động gần như riêng rẽ, mạnh ai nấy làm. Không có tiếng nói chung, thiếu “đầu tàu” dẫn dắt, chuyện nông dân bị lép vế trong chuỗi giá trị là điều dễ hiểu.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng: Cái khó của ngành nông nghiệp hiện nay là kết nối sản phẩm của nông dân với thị trường. Doanh nghiệp chính là cầu nối quan trọng. Thực tế hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quá ít, chỉ có 6%. Nếu không có doanh nghiệp tham gia, phối hợp cùng hợp tác xã, cùng các hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác thì không thể có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Đây chính là vấn đề cần tháo gỡ.
Để mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thật sự mạnh, ngoài việc có năng lực tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thì điều kiện tiên quyết phải là các doanh nghiệp có tâm huyết, có trách nhiệm với nông dân và sự nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại. Về phía nông dân, phải phát triển được các trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất. Nếu chưa làm được vấn đề này, ít nhất, nông dân phải hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng “làm ăn lớn” với doanh nghiệp, xóa dần thói quen làm ăn tự phát.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã