Bài 1: Định chuẩn chất lượng nông sản
Những năm gần đây, không ít lô hàng xuất khẩu nông sản của nước ta bị trả về hoặc bị cảnh báo về chất lượng mà nguyên nhân chính được xác định là do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, hoặc không tuân thủ đúng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP)… Liên quan thực trạng nêu trên, rất cần quy định chuẩn chất lượng cho các loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam…
Loay hoay với GAP
Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, từ 10 năm trước, Chính phủ đã khuyến khích các địa phương đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất theo quy trình GAP, phổ biến là VietGAP, GlobalGAP trên hàng loạt nhóm ngành sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng, đến nay, người nông dân và chính quyền nhiều địa phương vẫn đang loay hoay, thậm chí bế tắc trong việc triển khai, thực hiện các mô hình.
Khi chúng tôi đến Bến Tre, chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhưng người trồng bưởi da xanh ở đây vẫn thấp thỏm ai sẽ là người thu mua bưởi, giá bán có tốt không? Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre (Bến Tre) Lê Minh Nhuận cho hay: “Năm nay, bưởi không được mùa nhưng gần đến Tết rồi mà giá bưởi cũng không thấy tăng. Đến giờ, cũng chưa thấy đơn vị nào chính thức đứng ra ký hợp đồng thu mua bưởi của những thành viên tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh VietGAP của xã”.
Toàn xã Nhơn Thạnh hiện có hơn 297 ha cây ăn trái, chủ yếu là dừa và bưởi, trong đó, bưởi da xanh là 21 ha của 36 hộ tham gia Tổ liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP. Tổ VietGAP Nhơn Thạnh được hình thành trên cơ sở Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh GlobalGAP từ năm 2010 nhưng do hiệu quả không cao nên sau khi chứng nhận lần đầu, bà con không thực hiện tái chứng nhận lại. Đầu năm 2016, Tổ liên kết sản xuất này mới tái khởi động chương trình VietGAP với sự hỗ trợ của Tập đoàn Lộc Trời. Tuy nhiên, chỉ các hộ đủ tiêu chuẩn tham gia thì cán bộ tập đoàn mới đến hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây, trái và được trực tiếp mua phân, thuốc của tập đoàn với giá ưu đãi hơn. Về tiêu thụ sản phẩm, theo ông Lê Minh Nhuận, Tập đoàn Lộc Trời cũng chỉ dừng ở cam kết “miệng” là sẽ mua với giá cao hơn bưởi da xanh không tham gia Tổ liên kết VietGAP khoảng 5.000 đồng/kg…
Việc triển khai thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP rồi không tái chứng nhận của các hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã diễn ra khá phổ biến tại Bến Tre. Vào thời điểm những năm 2008 đến 2010, hàng chục mô hình được triển khai nhưng chỉ một vài mô hình còn thực hiện, số còn lại đã bỏ, không thực hiện chứng nhận lại. Đến cuối năm 2015, Bến Tre khởi động lại 19 mô hình GAP với tổng diện tích gần 261 ha, chủ yếu là trái cây như chôm chôm, nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bến Tre Phan Thị Thu Sương cho biết: “Nguyên nhân chính khiến cho việc sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP ở địa phương đi xuống là do thị trường tiêu thụ không ổn định, giá bán không cao hơn các sản phẩm sản xuất theo truyền thống. Khởi động lại sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP lần này, tỉnh Bến Tre chỉ đạo xây dựng theo chuỗi liên kết khép kín mà hai chủ thể chính là người dân và DN”. Bà Thu Sương phân tích thêm, DN có nguồn lực, thị trường, đội ngũ khoa học và người dân cùng hợp tác làm đúng quy trình mới có thể cho ra sản phẩm đồng đều, chất lượng tốt.
Thực tế cho thấy, trải qua gần một năm Bến Tre bị hạn, xâm nhập mặn nặng, giờ đây hậu quả mới thấy rõ khi năng suất các loại nông sản thấp nhưng giá bán ra cũng không cao, rõ nhất là đối với bưởi da xanh. Tại thời điểm hiện tại, bưởi loại một giá bán chỉ khoảng 40 nghìn đồng/kg, không cao hơn ngày thường là bao do chất lượng bưởi không cao, hình thức bên ngoài không đẹp.
Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre (Bến Tre) Lê Tân Kỳ cho rằng: “Cần phải tập trung quan tâm đến chất lượng của bưởi, bởi chưa bao giờ bưởi có hiện tượng để lâu bị hỏng nhiều như năm nay. Vừa qua, HTX xuất ra Hà Nội hơn 500 kg bưởi thì có đến gần 100 kg bị hỏng”. Theo ông Lê Tân Kỳ, do “nóng ruột” sau đợt hạn, mặn, người trồng bưởi đã tập trung bón thúc quá nhiều cho cây “lại sức” khiến hậu quả càng nặng…
Chưa yên tâm về chất lượng
Đồng Tháp, địa phương được xem là đi đầu trong việc triển khai thực hiện sản xuất theo quy trình GAP cũng đang loay hoay với các mô hình VietGAP, GlobalGAP. Nhìn nhận về nguy cơ thất bại của chương trình trọng điểm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Công cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan như chi phí đầu tư lớn, đầu ra của sản phẩm khó khăn, sự liên kết thiếu chặt chẽ giữa DN với nông dân, thì còn có nguyên nhân do tập quán canh tác đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân. Ngay việc thực hiện các công đoạn theo quy trình và ghi nhật ký sản xuất cũng rất khó thực hiện do thói quen sản xuất của bà con.
Từ thực tế những địa phương đã triển khai thực hiện sản xuất theo quy trình GAP, nay đang khởi động lại, một vấn đề căn bản được nhìn nhận là cần phải tạo lập quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai chủ thể chính là DN và người nông dân. Chính quyền phải có quy hoạch cụ thể từng vùng, từng chủng loại sản phẩm tại địa phương đó gắn với nhu cầu thực tế của DN. Điều này phù hợp với xu hướng DN phải chủ động được vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thực tế cũng đang đặt ra câu hỏi: Đâu là quy định chuẩn chất lượng cho các loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam? Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật này. Chuyên gia nông nghiệp, Giáo sư (GS) Mai Văn Quyền cho rằng: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16-6-2012, nội dung chủ yếu đề cập đến các đối tượng là DN, cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, còn việc áp dụng thực tế đối với người nông dân trên đồng ruộng, vườn cây thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Cũng theo GS Mai Văn Quyền, nếu các quy chuẩn không được áp dụng ngay từ đầu thì đồng nghĩa vấn đề “gốc” của chất lượng sản phẩm đã không được bảo đảm. Do đó, dù các DN chế biến có cố gắng đến mấy thì không ít sản phẩm nông nghiệp của nước ta khi xuất khẩu vẫn thường xuyên bị trả về vì kém chất lượng, tồn dư hóa chất quá lớn. Trong đó, các mặt hàng được coi là chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như cá tra, gạo, tôm, trái cây…, số lượng lô hàng bị trả về năm sau luôn cao hơn năm trước…
(Còn nữa)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã