Là kỹ sư trẻ ngành chăn nuôi của Công ty TNHH MTV bò sữa TP Hồ Chí Minh, ngay khi biết chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” do Trung tâm PTKH và CN trẻ thuộc Thành đoàn phối hợp Đoàn Công ty tổ chức, Trịnh Khương Duy đã hăng hái xung phong tham gia. Duy cho biết, khi còn là sinh viên Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, anh nhiều lần tham gia các đợt tình nguyện và thấy rất ý nghĩa. Khi biết có hoạt động chia sẻ kiến thức chuyên môn cho nông dân, anh rất thích và đăng ký ngay.
Ngày tư vấn, đồng hành cùng nông dân nuôi bò sữa được tổ chức ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Duy nhận được hàng loạt câu hỏi, thắc mắc từ bà con nông dân. Từ cách chọn con giống, nguồn thức ăn, quy trình chăm sóc đến cách hạn chế tế bào SOMA, nâng cao chất lượng sữa… đều được Duy tận tình giải đáp, tư vấn rành mạch. Không chỉ vậy, Duy còn đi đến các hộ nuôi bò để nắm bắt thực tế, tìm nguyên nhân khiến bò kém phát triển, đưa ra cách khắc phục. Theo chị Nguyễn Thị Kim Chi, một nông dân nuôi bò sữa ở địa phương này, những kiến thức được Duy truyền đạt là rất hữu ích cho việc nuôi bò của gia đình chị trong thời gian tới.
Dù bận rộn với công việc giảng dạy tại Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhưng anh Võ Trung Âu vẫn dành thời gian cùng đoàn trí thức trẻ đi khảo sát thực tế mô hình trồng nấm của nông dân tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Tại đây, chàng nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành nông nghiệp đã chỉ ra cho các hộ nông dân một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình trồng nấm, như về chiều cao của kệ trồng nấm, cách bố trí tưới nước, mua phôi nấm, mùn cưa… Chị Trần Thị Thanh Ngoan ở Hiệp Phước cho biết, qua ba năm trồng nấm, gia đình chị nhiều lần thất bại, giờ đây được các trí thức trẻ bày cách sản xuất khoa học, chị thấy yên tâm và hy vọng sẽ “thắng” trong các mùa tiếp theo.
Nhiệt tình, gần gũi khi đến với các hộ nuôi cua tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, kỹ sư Trần Bùi Thị Ngọc Lê, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh đã để lại nhiều ấn tượng với bà con nông dân nơi đây. Không chỉ tư vấn hỗ trợ về kỹ thuật chuyên môn như chuẩn bị con giống, đặc tính thương phẩm, ao nuôi…, Ngọc Lê còn tư vấn thêm về cách tiếp cận, tìm nguồn tài trợ vốn, con giống cho những bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp bằng nghề nuôi cua.
Một hoạt động thiết thực khác cũng đang được Chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” đẩy mạnh triển khai đó là dự án hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp bằng nghề trồng các loại nấm linh chi, bào ngư, mộc nhĩ. Ở mỗi huyện ngoại thành của thành phố sẽ chọn ra một thanh niên dưới 35 tuổi có nguyện vọng làm kinh tế nông thôn, từ đó chương trình sẽ phối hợp hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật, đầu tư trang trại… Theo Phó Giám đốc Trung tâm PTKH và CN trẻ Trần Đức Sự, đây là chương trình đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, tạo ra những cơ sở hoạt động chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, làm mô hình điểm cho các đoàn viên, thanh niên khác học hỏi, áp dụng nhân rộng.
Chương trình “Trí thức trẻ khoa học tình nguyện” được triển khai nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, đem kiến thức khoa học, công nghệ tư vấn, hỗ trợ cho người dân. Hiện nay, chương trình thu hút đông đảo đội ngũ giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học… tập hợp thành một lực lượng trí thức trẻ tình nguyện hùng hậu, đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển chung, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” năm 2015 đã làm lễ ra quân trong Tháng Thanh niên năm nay. Theo kế hoạch, chương trình sẽ triển khai hoạt động đến tháng 10-2015 với các nội dung: Trí thức trẻ xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới; trí thức trẻ xung kích vì văn minh đô thị; trí thức trẻ xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức sân chơi khoa học vui và Chuyến xe tri thức.
Trong nội dung hoạt động “Trí thức trẻ xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, các tình nguyện viên trí thức trẻ đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ theo chủ đề: “Ý tưởng xanh” nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng ngập mặn cho học sinh và cộng đồng ven biển.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã