Nhiều hộ trồng rau cần quanh năm cho biết, rau cần có 2 loại là rau cần tây và rau cần ta (còn gọi là rau cần nước). Riêng ấp Sóc Rừng đã chọn rau cần tây để trồng. Hiện nay đã có hàng chục hộ dân trong ấp chuyên canh loại rau cần tây này với diện tích hơn 10.000m2. Đây là rau có nhiều giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Người dân miền Tây sử dụng rau cần tây phổ biến trong chế biến các món ăn, ép lấy nước giúp giải nhiệt, giảm suy nhược cơ thể và còn có thể phòng chữa được nhiều bệnh như bị mỡ máu, các bệnh tim mạch, đau họng....
Bà Thạch Thi Moan, ngụ ấp Sóc Rừng kể : “Rau cần tây trồng quanh năm, phát triển tốt vào mùa thời tiết mát mẻ, không thích hợp với loại đất phèn, đất nhiễm mặn, đất bị ngập nước. Trồng rau cần tây không cần nhiều diện tích đất nhưng hết sức chú trọng sâu rầy phá hại...”.
Hiện nay bà Moan trồng 9 mương rau cần tây, mỗi mương có chiều dài 50m, ngang 2m. Để trồng cần tây, bà Moan đổ rơm, cỏ khô xuống bên dưới cho đầy mương và tạo được lớp đất sệt trên bề mặt rồi trồng rau cần tây xuống bề mặt. Sau khi trồng khoảng 60 ngày là rau cần tây cho thu hoạch lứa đầu tiên. Sau đó cứ khoảng 40 ngày bà Moan lại cắt rau 1 lần bán cho thương lái. Bình quân mỗi lần cắt khoảng 1 tấn đến 1,1 tấn/mương, giá bán tại mương là 7-8.000 đồng/kg. Mỗi lứa rau cần tây, trừ hết các khoản chi, bà Moan còn lãi từ 4-5 triệu đồng/mương. Tính bình quân mỗi năm bà Loan bán được khoảng 6 lứa rau cần tây thu lãi trên 250 triệu đồng chỉ trên diện tích 900m mương.
Phân dê được anh Thạch Tiền xử lý qua bể khí Biogas rồi đưa đi bón cho 7 ao rau cần tây của gia đình.
Tương tự như bà Moan, anh Thạch Tiền, lối xóm của bà Moan cũng trồng 7 ao rau cần tây kết hợp với nuôi dê thịt cho thu nhập cả năm trên 300 triệu đồng. Anh Tiền cho biết cách làm của mình : Để tăng độ dinh dưỡng cho rau cần tây, chất thải từ đàn dê thịt được anh Tiền đưa vào hầm khí Biogas. Sau quá trình xử lý, anh Tiền dùng chất thải để bón cho các ao rau cần tây. Cách làm của anh Thạch Tiền đang được nhiều hộ trong ấp Sóc Rừng làm theo.
Anh Thạch Tiền cho hay, thu nhập từ bán rau cần tây không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn có dư tiết kiệm.
Ông Thạch Banl, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Loan Mỹ nhận xét : “Trồng rau cần tây kết hợp chăn nuôi dê đã và đang là mô hình rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu qủa kinh tế cao. Rau cần tây có ưu điểm là trong mấy năm qua giá cả ổn định và không bị dội hàng....”.
Ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là địa phương có nhiều hộ người dân tộc Khmer với trên 200 gia đình, chiếm tỉ lệ trên 75% tổng số hộ dân, trong đó tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 30%. Ông Trần Văn Thảo, trưởng ấp Sóc Rừng băn khoăn nói : “Dù đã hết sức cố gắng nhưng trước đây tỉ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng chậm. Từ đó chúng tôi chọn phương án khuyến khích bà con chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, trồng rau màu, đặc biệt phát triển mô hình trồng rau cần tây bởi rất phù hợp với đất đai và thị trường tiêu thụ ổn định...”.
Theo: Tô Phục Hưng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã